3:16 PM, 18/03/2014
Ông Giang và căn nhà sau ba lần bị đập, phải dùng cây gỗ chống cho khỏi sập
Thi hành án cũng "bó tay" vì chủ tịch huyện - đồng thời là trưởng ban chỉ đạo thi hành án - lại trây ỳ.
Hơn bốn tháng qua, ông Huỳnh Trung Giang (ngụ khóm 1, thị trấn Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) gửi đơn đến nhiều cơ quan yêu cầu xử lý trách nhiệm của Chi cục thi hành án huyện này vì không thi hành án theo luật định. Chi cục trưởng thi hành án là chủ tịch UBND huyện này, trong khi chủ tịch huyện lại không chịu thi hành án.
Kiện vì ba lần đập nhà
Theo ông Giang, ông hành nghề buôn bán ở thị trấn nên rất ngại “ăn thua” với chính quyền, nhưng sau hàng loạt thiệt hại do chính quyền gây ra, ông “nhịn hết nổi”.
Ông kể: Vào tháng 12.2008, tôi bị UBND huyện Trần Văn Thời thu hồi đất và một phần kiến trúc nhà để lấy mặt bằng làm lộ giao thông. Dù bị đập bỏ phần mặt tiền nhà nhưng tôi vui vẻ nhận tiền đền bù theo quy định vì nghĩ mình sẽ có đường lớn và đẹp hơn.
Nhận tiền xong, tôi xây lại cái mặt tiền mới cho nhà mình. Thế nhưng một năm sau (tháng 11.2009), huyện lại đập thêm một đoạn nhà nữa, ba tháng sau UBND huyện lại cho đập tiếp!
“Chiều dài căn nhà ban đầu là 22 m. Huyện cho đập lần đầu hết 7,3 m; lần hai thêm 0,7 m và lần ba là 3,6 m khiến căn nhà còn lại hơn 11 m. Họ đã đập gần nửa căn nhà, làm “bay” luôn ba trong bảy hàng cột chịu lực. Nhìn vào căn nhà sau ba lần đập, ai cũng sợ sập, vậy mà tôi yêu cầu bồi thường để gia cố, sửa chữa lại phần còn lại của căn nhà họ từ chối.
Tôi buộc phải kiện ra tòa đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Xử sơ thẩm, tòa án huyện Trần Văn Thời bác đơn của tôi. Đến phiên phúc thẩm ngày 3-9-2013, tòa án tỉnh Cà Mau sửa án, buộc UBND huyện Trần Văn Thời phải bồi thường cho tôi gần 88 triệu đồng” - ông Giang nói.
Thi hành án huyện cũng “bó tay”
Sau khi bản án có hiệu lực, ông Giang làm đơn đề nghị thi hành án. Tuy nhiên, hơn bốn tháng trôi qua, với nhiều lý do khác nhau, UBND huyện Trần Văn Thời không chịu thi hành án nên ông Giang yêu cầu xử lý trách nhiệm cơ quan này. Trong khi đó, Chi cục thi hành án huyện cũng “bó tay”, phải gửi báo cáo lên cấp trên thỉnh thị cách xử lý.
Ngày 17-3, trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Quốc Trợ, Chi cục trưởng thi hành án huyện Trần Văn Thời, nói: “UBND huyện không chịu thi hành án với lý do là đang chờ giám đốc thẩm bản án. Đúng ra thì phải cưỡng chế nhưng theo quy định thì tài sản của UBND huyện được hình thành từ ngân sách, không thuộc tài sản bị cưỡng chế.
Chúng tôi đã báo cáo vụ này về Cục thi hành án tỉnh và tỉnh đã xuống làm việc bước đầu với Huyện ủy Trần Văn Thời. Dự kiến vài ngày tới huyện ủy sẽ có cuộc họp để tìm cách xử lý vấn đề này”.
Cùng ngày, chúng tôi gọi điện thoại cho ông Lưu Minh Nhựt - Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, Trưởng ban Chỉ đạo thi hành án huyện này, để đăng ký làm việc. Khi ông Nhựt báo bận, chúng tôi đặt vấn đề về việc vì sao huyện không thi hành án cho ông Giang.
Ông Nhựt nói: “Chúng tôi xin hoãn thi hành án để chờ quyết định giám đốc thẩm”. “Theo quy định, án có hiệu lực là phải thi hành, trừ khi có quyết định tạm hoãn của cơ quan tố tụng. Trường hợp này chưa có quyết định giám đốc thẩm, chưa có quyết định hoãn thi hành án, nhưng sao huyện không thi hành án?” - chúng tôi đặt câu hỏi. Ông Nhựt bảo: “Việc này các ông nên qua thi hành án huyện hỏi sẽ rõ hơn” rồi cúp máy.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, đồng thời là Trưởng ban Chỉ đạo thi hành án huyện nên khi ông trây ỳ thi hành án; người dân bức xúc, còn Chi cục thi hành án huyện cũng “bó tay”.
Luật Tố tụng hành chính hiện nay có hai điều (247, 248) nói về việc xử lý vi phạm khi không thi hành án. Nhưng các điều luật vẫn còn chung chung theo kiểu: “Tùy từng trường hợp mà bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự”. Thực tế, nếu chủ tịch UBND cố tình không thi hành án thì không ai biết cơ quan nào sẽ phải đứng ra yêu cầu xử lý họ. Để khắc phục, luật phải quy định trách nhiệm giám sát thuộc về cơ quan quản lý cấp trên. Chẳng hạn, chủ tịch UBND cấp huyện không thi hành án theo phán quyết của tòa thì chủ tịch UBND cấp tỉnh phải yêu cầu thực hiện. Nếu chủ tịch UBND tỉnh thua kiện nhưng không thi hành án thì Chính phủ phải yêu cầu. Trường hợp cấp dưới vẫn cố tình không chấp hành thì cấp trên tùy mức độ mà xử lý kỷ luật hoặc yêu cầu các cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý hình sự - thẩm phán Phạm Công Hùng, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM - phân tích trên báo Pháp Luật TPHCM ngày 6.8.2012.
No comments:
Post a Comment