ĐĐK(19/02/2014) |
Những ngày qua, các phương tiện thông tin đại chúng liên tục nói về dịch cúm gia cầm H5N1, H7N9... và nguy cơ chết người của những chủng cúm này. Các cơ quan nhà nước từ Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương cũng đã hết sức nỗ lực cố gắng trong việc ngăn ngừa các chủng cúm gia cầm lây lan và bùng phát thành dịch. Vậy nhưng trong bối cảnh đó, một số người dân vẫn chưa biết sợ, họ coi chuyện dịch cúm gia cầm là của thế giới, còn ở đâu đó xa lắm chứ không phải nơi mình đang sinh sống.
|
Hiện, dịch cúm gia cầm với các chủng nguy hiểm H5N1, H7N9... đang hoành hành ngay tại nước láng giềng Trung Quốc và có nguy cơ bùng phát thành dịch trên diện rộng. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phải cảnh báo các quốc gia và vùng lãnh thổ có biên giới chung với nước này cần có những biện pháp khẩn cấp ngăn chặn dịch cúm gia cầm lây lan qua biên giới. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ Công thương, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng... phối hợp triển khai nhiều biện pháp để đối phó với dịch cúm gia cầm như kiểm soát chặt chẽ các cửa khẩu biên giới, tăng cường giám sát nguồn gốc gia cầm, cấp văcxin phòng cúm gia cầm, khoanh vùng có dịch, lập chốt phun thuốc tiêu độc khử trùng... Do vậy, lực lượng quản lý thị trường, thú y, hải quan, biên phòng... đang phải phải căng sức, gần như "trực chiến” 24/24 với 100% quân số để đảm bảo dịch cúm gia cầm không có cơ hội vượt biên giới vào nước ta, lây lan từ vùng này sang vùng khác và bùng phát thành dịch.
Mặc dù thế, nước ta vẫn có 11 tỉnh, thành phố công bố có dịch cúm gia cầm. Song nhiều người dân vẫn tỏ ra thờ ơ, coi thường dịch cúm gia cầm với các chủng cúm chết người. Điều đáng lo là khi đọc báo, xem tivi thấy nhắc đến chuyện người tiếp xúc với thịt gia cầm sống, ăn tiết canh có nguy cơ cao lây các chủng cúm gia cầm, nhiều người dân còn tỏ ra bàng quan, không quan tâm. Nếu có ai đó hỏi họ sao không theo dõi thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động phòng tránh dịch cúm gia cầm, câu trả lời sẽ là: "Ôi dào, dịch ở tận đâu đâu, chứ ở quê tôi có thấy dịch diếc gì đâu”. Nếu hỏi họ có sợ không thì câu trả lời sẽ là: "Chết có số, chúng tôi vẫn làm thịt gà, vịt, ngan, ngỗng, ăn tiết canh suốt mà chả sao sất”...
Chẳng thế mà tại một số tỉnh, thành phía Nam, mặc dù cơ quan chức năng vừa tiêu hủy đàn gia cầm vì phát hiện nhiễm vi rút cúm H5N1, nhưng chỉ sau hơn 10 ngày người dân đã lại tiếp tục tái đàn như không có chuyện gì xảy ra. Nghe cách lý giải của các bác nông phu thấy rất đáng lo ngại. Các chân ruộng chuẩn bị thu hoạch nên họ tái đàn để tận dụng thức ăn rơi vãi cho vịt ăn. Hay như việc, khi lực lượng thú y lập chốt chặn tại vùng có dịch để phun thuốc khử trùng, không cho gia cầm ở vùng dịch lọt ra ngoài dẫn đến lây lan các chủng cúm thì một số người dân vì tiếc của đã lén lút tìm đường tắt đưa gia cầm ra khỏi vùng có dịch để bán, "gỡ gạc” chút vốn liếng bị mất. Và nếu bị phát hiện, họ sẽ biện minh là mọi vốn liếng đã đổ vào đàn gia cầm, nếu bị tiêu hủy hết thì sẽ phá sản, nợ ngân hàng không trả được...
Dù các lực lượng liên ngành như hải quan, thú y, biên phòng... đang phải "dàn quân” ra kiểm soát chặt chẽ các cửa khẩu thông thương giữa nước ta và Trung Quốc như cửa khẩu Móng Cái, Lạng Sơn... để ngăn chặn dịch cúm gia cầm lây lan quan biên giới thì một số người vẫn cố tình lén lút đưa gà lậu qua biên giới bằng đường tắt, đường mòn. Khi được "trộn” với nhau thì không chỉ người dân mà ngay cả cơ quan chức năng như quản lý thị trường cũng khó có thể phân định được đâu là gà Trung Quốc, đâu là gà Việt Nam. Nguy hiểm hơn là chủng cúm H7N9 hiện đang hoành hành ở Trung Quốc lại không có dấu hiệu lâm sàng rõ rệt để có thể nhận biết gia cầm bị nhiễm loại vi rút này. Do vậy khả năng vi rút cúm H7N9 theo gà lậu vượt biên vào nước ta là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Như vậy có thể thấy, dù được tuyên truyền thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng, tờ rơi, loa phát thanh tại phường, xã, dù đã có người tử vong do nhiễm cúm A H5N1, nhưng xem ra một bộ phận không nhỏ người dân vẫn chưa ý thức hết được tầm nghiêm trọng của dịch cúm gia cầm với các chủng virut chết người. Họ biện minh cho việc làm của mình là do nghèo, do đói nên phải liều. Cho dù họ có mang được gà lậu trót lọt qua biên giới 1 lần hay vài lần nhưng liệu có mãi mãi? Họ có mang trót lọt đàn gia cầm của mình từ vùng có dịch đi bán mà không ai biết, khi họ tái đàn mà không bị nhiễm virut cúm nữa... thì liệu họ có thoát hẳn nghèo, thoát hẳn đói? Nhưng họ có nghĩ được xa hơn, hiểu được rộng hơn là để giải quyết vấn đề nghèo, đói của cá nhân, họ đã đặt toàn xã hội và đất nước (nếu như không muốn nói là toàn thế giới) vào vòng nguy hiểm của đại dịch cúm gia cầm? Đói và rét có thể không chết hoặc còn lâu mới chết, nhưng nếu nhiễm các chủng cúm H5N1, H7N9... mà không được chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong. Vậy nên xin mọi người hãy suy nghĩ cho kỹ trước khi nhắm mắt làm liều. Không cơ quan chức năng nào có thể kiểm soát hết nếu mỗi người dân không tự có ý thức bảo vệ mình.
Lê Anh Đứ
|
No comments:
Post a Comment