Tuesday, February 11, 2014
Facebook và nỗi ám ảnh của nhà cầm quyền
Trong lúc ra sức dối trá, trơ trẽn lấp liếm, ngụy biện cho chính sách hạn chế tự do ngôn luận, kiểm duyệt thông tin trên Internet tại Hội nghị kiểm điểm phổ quát về nhân quyền (UPR) tại Genève, thì báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng Sản Việt Nam, ngày 6 tháng 2 năm 2014, đăng bài "Sự bùng nổ của Facebook và một số vấn đề đặt ra" của tác giả Nguyễn Hải Đăng.
Đây là bài nối tiếp một số các bài khác đã từng được đăng tải trên các tờ báo của hệ thống, như là một cách thăm dò phản ứng dư luận trước khi hành động: ngăn chặn hoàn toàn trang mạng xã hội này.
Sự phát triển của Facebook tại thị trường Việt Nam gia tăng với tốc độ mạnh mẽ. Mới đầu năm 2013, số lượng người sử dụng mới khoảng 5,43 triệu người. Đến hết năm 2013 đã nhảy lên mức 19,6 triệu, một con số mơ ước của tất cả các trang mạng dịch vụ internet.
Trước đó, bài "Cần phải chấm dứt ngay hoạt động của facebook tại Việt Nam" nhân danh một độc giả, tờ Giáo dục Việt Nam ngày 16 tháng 11, 2012, đã làm một cuộc thăm dò không chính thức. Cuộc thăm dò đã cho thấy kết quả, qua các ý kiến bình luận, môt sự cấm đoán, ngăn chặn không phải là đối sách.
Ngày 25 tháng 11, 2012 tờ Quân đội Nhân dân đăng bài "Làm chủ mạng xã hội để tập hợp và giáo dục thanh niên". Bài báo nhìn nhận tác dụng mạnh mẽ và ảnh hưởng sâu sắc của mặt trận thông tin mà Facebook là một "chiến trường" tập hợp được đa số giới trẻ, năng động và cập nhật các diễn biến thời sự nhanh chóng nhất.
Không đề cập đến việc ngăn chặn mà có ý định dùng phương pháp lấy gậy ông đập lưng ông, bài báo viết:
"Dùng mạng xã hội đã trở thành nhu cầu thực sự của giới trẻ nhưng mạng xã hội lại phát triển tự phát, thiếu định hướng và nguy cơ “Diễn biến hòa bình” tác động đối với giới trẻ từ đây cũng rất lớn. Các Mác từng nói: Vũ khí của sự phê phán không thể thay thế được sự phê phán bằng vũ khí. Đã đến lúc, cuộc đấu tranh phòng chống “Diễn biến hòa bình".
Ý định này đã được áp dụng bằng huy động hàng ngàn dư luận viên vào mục đích tuyên truyền, phản biện, khiêu khích, làm nhiễu loạn thông tin.
Nhưng chỉ sau một thời gian rất ngắn, các dư luận viên đa phần với những nickname giả đã chẳng phát huy được tác dụng. Họ hiện rõ chân tướng "ăn hại đái nát" của những tên "côn đồ" trên mặt trận văn hoá, lý luận cực kỳ yếu kém, trống vắng kiến thức cơ bản, thay cho việc đối thoại nghiêm túc thì sử dụng từ ngữ dung tục, hoặc lẩn rất nhanh khi bức bí. Đội ngũ 50 ngàn dư luận viên ăn lương, làm "chiến sĩ" bàn phím trở nên vô tích sự. Người sử dụng Internet vẫn muốn nghe những gì thích nghe và bày tỏ những gì suy nghĩ, thông qua thông tin ngoài hệ thống.
Không đạt kết quả trong việc sử dụng đội ngũ dư luận viên, ý tưởng bỏ ra 200 triệu USD xây dựng một mạng xã hội khác nhằm lôi kéo thanh niên cũng chẳng thành sự thật, trong khi số lượng người sử dụng Facebook tăng nhanh chóng mặt. Facebook trở thành nỗi ám ảnh của nhà cầm quyền.
Vòng vo tam quốc nêu lên những cái hại và hạn chế trong việc sử dụng Facebook vốn chẳng là điều gì đặc biệt, tờ báo Nhân Dân đặt dấu hỏi "với sự phát triển chưa có dấu hiệu dừng lại, Facebook có phải là mạng xã hội hữu ích thật sự hay chỉ là "mốt" mới của một số người Việt Nam, nhất là giới trẻ?". Nhưng cuối cùng bài báo cũng đã không giấu nổi điều chính yếu. Nhà cầm quyền lo sợ "các trang Facebook của các thế lực thù địch, các tổ chức và cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam lập ra để vu cáo, vu khống, bình luận xuyên tạc về Việt Nam".
Trong mùa xuân Ả Rập, Facebook đã góp mặt, kết nối quần chúng, tạo nên cuộc cách mạng lật đổ các chế độ độc tài, nhưng xây dựng một xã hội dân chủ lệ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Tình hình bất ổn ở các nước Bắc Phi không thể đổ vấy, cho rằng, "tuyên truyền về tự do, bình đẳng" của Facebook đã thất bại. Đây là lối lý luận cùn.
Nhà cầm quyền thực sự sẽ ngăn chặn Facebook? Trong thực tế, họ vẫn duy trì, nhưng tìm cách hạn chế truy cập. Bằng chứng là muốn truy cập Facebook người sử dụng vẫn phải dùng chương trình vượt tường lửa, tuy nhiên hiện tượng mạng chập chờn thường xuyên xảy ra. Họ có thể ngăn chặn hoàn toàn Facebook trên lãnh thổ Việt Nam? Về mặt kỹ thuật là hoàn toàn khả thi, giống như Trung Quốc. Nhưng họ sẽ ăn nói ra sao trước dư luận quốc tế trong khi vẫn huyênh hoang dối trá không kiểm duyệt mạng? Chặn Facebook là một hành động chẳng thế nào lấp liếm. Hơn nữa đóng cửa một sinh hoạt truyền thông với 19,6 triệu người sử dụng là xâm phạm thô bạo vào quyền được tiếp cận thông tin của đông đảo quần chúng.
Mặt khác, Trung Quốc, chặn Facebook hoàn toàn, nhưng vào đầu năm 2014 đã phải mở ở các khu kinh tế đặc biệt, chứng tỏ sự thất bại của họ trong chính sách bóp nghẹt thông tin. Bởi vì bóp nghẹt thông tin không phải chỉ hạn chế ảnh hưởng lên hệ thống chính trị độc tài, chuyên quyền, mà nó gây tác hại trực tiếp đến sự phát triển kinh tế.
Các nhà đầu tư nước ngoài, khi bỏ tiền ra, có quyền đòi hỏi những điều kiện hỗ trợ. Ngoài giảm thuế, ưu đãi về đất đai, không bị hạn chế thông tin là một trong những điều không thể thiếu vắng cho giao dịch ngoại thương. Kinh tế Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, trong khi lượng đầu tư nước ngoài FDI tăng mạnh, vốn đăng ký cho năm 2014 lên tới 22 tỷ USD là cứu cánh cho xuất khẩu và thúc đẩy tăng trưởng.
Trong vòng 10 năm, Mark Zuckerberg, đã xây dựng và phát triển Facebook thành một trang mạng xã hội lớn nhất thế giới với hơn 1 tỷ người sử dụng, trở thành tỷ phú trẻ nhất dưới 30 tuổi với giá trị tài sản ước tính hơn 30 tỷ USD.
Facebook không chỉ là nơi quy tụ, kết nối con người với con người, trao đổi, chia sẻ thông tin chính trị, xã hội, hỗ trợ các cuộc tranh đấu dân chủ, mà quan trọng hơn - nó là trang quảng cáo thương mại toàn cầu.
Tính hơn thiệt, một bên là hạn chế thông tin, bảo vệ sự lừa mị dối trá của truyền thông nhà nước, một bên là đòi hỏi của lợi ích kinh tế trong tình hình hiện tại, tôi tin rằng, nhà cầm quyền cũng chỉ hạn chế truy cập bằng cách như hiện nay, chứ không thể đóng cửa hoàn toàn Facebook tại Việt Nam.
Lê Diễn Đức
Theo Diễn Đàn Thế Kỷ
No comments:
Post a Comment