Nghị quyết 35 về lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn được Quốc hội thông qua tạo hội trường, nay Thường vụ Quốc hội muốn bãi bỏ bằng hình thức gửi phiếu xin ý kiến. Ảnh:TL
Thứ Sáu, 21/2/2014, 17:01 (GMT+7)
(TBKTSG Online)- Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra sáng nay (21-2) tại Hà Nội, Trưởng ban công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương cho biết sẽ dừng việc lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 5 tới đây.
Nội dung phiên họp sáng ngày 21-2 là cho ý kiến về báo cáo đánh giá, rút kinh nghiệm việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/2012/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Tại đây, Trưởng ban công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương cho biết sẽ dừng việc lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 5 tới đây, theo thông báo số 149 của Bộ Chính trị để chờ hướng dẫn thực hiện trong thời gian tới.
Bà Nương nói đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết tạm dừng việc lấy phiếu tín nhiệm nói trên và xin ý kiến sửa đổi bổ sung Nghị quyết 35.
Trước sự ngạc nhiên của một số ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Uông Chu Lưu giải thích rằng đây không phải là dừng hẳn mà là tạm dừng để sửa đổi nghị quyết.
Dù thống nhất việc tạm dừng như yêu cầu của Bộ Chính trị song Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng nhận thấy đây là việc làm trái với nghị quyết đã ban hành và cho biết sẽ gửi văn bản xin ý kiến các đại biểu Quốc hội.
Cuối cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng "chốt lại" là sẽ tạm dừng việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội và HĐND bầu và phê chuẩn tại kỳ họp sẽ diễn ra vào tháng 5 tới.
Trao đổi với TBKTSG, một số đại biểu Quốc hội (đề nghị không nêu tên) cho biết do họ chưa nhận được thông báo hay văn bản chính thức từ Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên chưa thể có ý kiến chính thức về vấn đề này.
Song một số đại biểu cho biết, kết luận của phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa thể xem là quyết định cuối cùng để dẫn đến tạm dừng lấy phiếu tín nhiệm. Nếu muốn dừng, phải tiến hành đúng quy trình, nguyên tắc của Luật tổ chức Quốc hội.
Theo đó, luật quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan thường trực của Quốc hội, được phép giám sát việc thi hành Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội; đồng thời được quyền đình chỉ, bãi bỏ các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng, tòa án, viện kiểm soát tối cao trái với luật, nghị quyết của Quốc hội. Hay nói khác đi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ được phép làm những việc do Quốc hội giao hoặc ủy quyền, không đồng nghĩa với việc thay mặt Quốc hội quyết định tất cả các vấn đề, nhất là đối với việc bãi bỏ một nghị quyết vốn đã được toàn thể Quốc hội thông qua trước đó như Nghị quyết 35.
Việc tạm dừng lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp tới, nếu thông qua hình thức gửi văn bản xin ý kiến các đại biểu Quốc hội cũng không phù hợp với quy định: “Quốc hội hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, làm việc theo chế độ hội nghị và quyết định theo đa số”.
Mặt khác, liệu rằng văn bản xin ý kiến các đại biểu chấp thuận việc tạm dừng lấy phiếu tín nhiệm có đầy đủ căn cứ hay không? Bởi cách xin ý kiến một chiều này khiến cho các đại biểu khó lựa chọn và trong trường hợp nhiều ý kiến không chấp nhận tạm dừng thì giải quyết như thế nào.
“Việc một nghị quyết của Quốc hội mang tính văn bản quy phạm pháp luật như Nghị quyết 35 đã được phiên họp toàn thể Quốc hội thông qua tại hội trường khác hoàn toàn với việc dừng nó thông qua việc xin ý kiến các đại biểu khi họ đã về địa phương vì công luận không biết chính xác kết quả lấy ý kiến có công khai và minh bạch như việc thông qua nghị quyết trước đó tại hội trường không”, một đại biểu băn khoăn.
Hơn nữa, việc lấy phiếu tín nhiệm nhận được sự ủng hộ, được đánh giá mang lại hiệu ứng tốt khi được thực hiện tại kỳ họp vào tháng 5-2013. Tất nhiên, việc lấy phiếu này cũng còn những hạn chế cần được tiếp tục sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện hơn. Nhưng những hạn chế này có phải là nguyên nhân cần thiết dẫn đến quyết định tạm dừng hay không?
Để trả lời câu hỏi này có thể mở lại Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (10-2013) về tình hình triển khai và kết quả việc lấy phiếu tín nhiệm. Và những hạn chế được nêu ra là :
- Văn bản hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có một số điểm chưa thật rõ ràng, chưa lường hết được các tình huống trong thực tiễn như việc tính mốc thời gian để báo cáo... Vẫn có một số địa phương chưa nghiên cứu kỹ văn bản, chuẩn bị chưa chu đáo nên việc tổ chức lấy phiếu còn lúng túng, cá biệt có tỉnh phải tổ chức kỳ họp HĐND bất thường sau kỳ họp thường lệ giữa năm để thực hiện việc lấy phiếu (tỉnh Kiên Giang). Và có một số vấn đề đã được quy định rõ nhưng một số địa phương vẫn chưa chủ động nghiên cứu để vận dụng và hướng dẫn cấp dưới kịp thời, làm cho HĐND cấp huyện, xã lúng túng. "Tuy nhiên, những vướng mắc đó không phải là lớn so với việc đã làm được", báo cáo viết, “kết quả lấy phiếu đã phản ánh sát với thực tiễn, làm cơ sở để đánh giá mức độ tín nhiệm đối với những người được lấy phiếu tín nhiệm”.
Với những phản hồi dư luận xã hội tốt trong thời gian qua, việc tạm dừng lấy phiếu tín nhiệm phải được xem xét một cách hết sức thận trọng, dựa trên quy trình pháp lý đầy đủ, thay vì chỉ là thông báo từ một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ngọc Lan
|
No comments:
Post a Comment