Thursday, July 20, 2017

Việt Nam ‘trong tầm ngắm’ của du khách Trung Quốc

 Theo VOA-21/07/2017Du khách Trung Quốc trên xích lô dạo quanh Hà Nội
Du khách Trung Quốc trên xích lô dạo quanh Hà Nội
Từ nay đến 2020, người Trung Quốc dự kiến sẽ thực hiện 200 triệu chuyến du lịch, tăng 48% so với con số 135 triệu tour của năm ngoái. Các điểm đến hàng đầu của họ là Hong Kong, Thái Lan, Hàn Quốc, và Nhật Bản, theo báo cáo vừa công bố ngày 20/7 của tập đoàn môi giới và đầu tư độc lập hàng đầu và lâu đời nhất tại Châu Á.
Đây là báo cáo thứ năm của CLSA về xu hướng du lịch của người Trung Quốc kể từ năm 2005 tới nay.
“Các yếu tố khiến người Trung Quốc du lịch nhiều hơn bao gồm có thêm được ngày nghỉ lễ, nới lỏng các giới hạn du hành, và mong muốn được trải nghiệm các hoạt động và các nền văn hóa khác nhau,”CLSA nói.
Việt Nam sẽ trở thành đích đến phổ biến với du khách Trung Quốc hơn cả Pháp, sau hàng loạt các cuộc tấn công khủng bố tại Châu Âu gần đây.
Cuộc thăm dò hỏi ý kiến của 400 du khách quốc tế xuất xứ từ Trung Quốc tại 25 thành phố.
An toàn là yếu tố được du khách Trung Quốc cân nhắc đầu tiên, sau đó là giá cả và các cơ hội tham quan thắng cảnh.
Điều này khiến Việt Nam vượt lên soán ngôi của Pháp trong năm ngoái, chiếm vị trí thứ 10 trong top mười điểm du lịch được nhiều du khách Trung Quốc ghé thăm nhất.
Trong nửa đầu năm nay, 4,66 triệu du khách Trung Quốc đã vượt biên giới đường bộ sang Việt Nam du lịch, tăng gần 42% so với năm ngoái.
Bất chấp những lợi ích kinh tế về du lịch, đa số người dân Việt Nam không chuộng khách du lịch Trung Quốc vì cách hành xử thiếu văn minh, kém lịch sự của du khách Trung Quốc và một phần vì tình cảm bài Trung có liên quan đến tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và sự chi phối của Trung Quốc đối với Việt Nam trong nhiều lĩnh vực.
Nguồn: SCMP/ The Nation

Economist: Nợ công Việt Nam $94,854,098,361

 Ngô Đồng Theo VOA-21/07/2017Đồng hồ nợ công của tạp chí The Economist nêu con số nợ công của Việt Nam vào ngày 16/7/2017 là hơn $94 tỉ. (Hình: Trích từ website của The Economist)
Đồng hồ nợ công của tạp chí The Economist nêu con số nợ công của Việt Nam vào ngày 16/7/2017 là hơn $94 tỉ. (Hình: Trích từ website của The Economist)
Nợ công của Việt Nam sẽ vượt mức an toàn vào năm 2018, theo dự báo của Ngân Hàng Thế Giới (WB) nêu ra trong bản cập nhật tình hình kinh tế của Việt Nam công bố trong Tháng 7-2017.
Nợ công, tức chính phủ Việt Nam đi vay để chi tiêu, từng được báo động tăng “chóng mặt” những năm gần đây. Không năm nào nguồn thu cho ngân sách đủ cho nhà nước chi dụng nên luôn luôn phải vay nợ.
Theo các con số thông kê do Bộ Tài Chính của Việt Nam nêu ra, nợ công của Việt Nam năm 2016 chiếm 63.7% GDP. Năm 2017 dự trù lên đến “đỉnh” là 64.8% GDP rồi sau đó nợ công sẽ bắt đầu giảm từ năm 2018 (bằng 64.7% GDP), năm 2020 bằng 63.7% GDP.
Nhưng muốn đạt được kết quả như vậy, Bộ Tài Chính Việt Nam cho rằng nền kinh tế phải tăng trưởng GDP ở mức từ 6.7 đến 7% năm nay và năm tới. Đó cũng là lý do người ta thấy mấy ngày qua, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thúc giục Ngân hàng Nhà nước thực hiện một số biện pháp để kích thích tăng trưởng kinh tế theo chỉ tiêu đã đề ra từ đầu năm, tức phải được 6.7%.
Tuy nhiên, trong bản cập nhật tình hình kinh tế của Việt Nam Tháng Bảy 2017, WB lập lại dự báo mà họ từng đưa ra vào Tháng Tư trước đây là năm nay, kinh tế Việt Nam vẫn chỉ tăng trưởng được khoảng 6.3%.
Vì vậy, năm nay, WB dự báo nợ công của Việt Nam sẽ “chạm trần” an toàn do nhà nước tự ấn định là 65% GDP và sang năm sẽ “vượt trần” lên tới khoảng 65.4% GDP. Thâm thủng ngân sách triền miên vì không năm nào số thu theo kịp được số chi trong khi các nhu cầu chi tiêu nội địa nuôi guồng máy và trả nợ nước ngoài vẫn cứ phình ra mãi.
Theo đà phát triển kinh tế và đã nhận được các khoản viện trợ và ưu đãi tín dụng suốt hơn 20 năm qua, Việt Nam không còn được coi là nước nghèo mà đang sang mức “thu nhập trung bình thấp”. Bởi vậy, từ Tháng Bảy 2018, WB không còn cấp tín dụng ưu đãi cho Việt Nam như một nước thu nhập thấp. Nhật Bản, một trong những nhà tài trợ tín dụng ưu đãi chính yếu cho Việt Nam cũng cắt giảm dần các khoản cho vay ưu đãi và chuyển dần sang tín dụng theo thị trường, ít ưu đãi hơn.
Con số nợ công của Việt Nam chính xác là bao nhiêu vẫn còn là con số mơ hồ trong khi phía chính quyền coi như bí mật nhà nước. Những loại nợ nào được gọi là nợ công tức nhà nước Việt Nam có trách nhiệm hoàn trả khoản vay cũng khác với quan điểm của nhà tài trợ.
Bộ Tài Chính Việt Nam chỉ nhìn nhận nợ công bao gồm nợ của chính phủ, nợ được chính phủ bảo lãnh, nợ của chính quyền địa phương. Nhưng các nhà tài trợ quốc tế đều cho rằng nợ công phải bao gồm cả các khoản vay của các xí nghiệp quốc doanh. Quốc doanh là “con đẻ” của nhà nước, cầm tiền của nhà nước kinh doanh. Quốc doanh đi vay mà không trả thì nhà nước là “bố” phải có nghĩa vụ trả nợ cho “con”.
Đó cũng là lý do tại sao năm 2010 tập đoàn đóng tàu Vinashin không trả nổi nợ nước ngoài, đáo hạn bị thúc nợ nhưng chính phủ Hà Nội từ chối trả thay vì doanh nghiệp “tự vay, tự trả” và nhà nước không có nghĩ vụ trả nợ đậy.
Hồi Tháng Bảy 2015, WB cho hay nợ công của Việt Nam vào thời điểm này khoảng 2.35 triệu tỉ đồng, tương đương khoảng 110 tỉ đô la. Đây là con số cao hơn những gì người ta từng được thấy đề cập trước đó.
Trên đồng hồ nợ công trên thế giới mà một bộ phận của báo tài chính The Economist lập ra trên mạng, nợ công của Việt Nam vào ngày 16/7/2017 là $94,854,098,361. Dựa trên dân số là 92,056,721 thì mỗi người Việt Nam bất kể già trẻ lớn bé mỗi người phải gánh một khoản nợ là $1,039 đô la.
Nhiều phần, The Economist căn cứ vào các con số của phía Việt Nam để công bố.
Báo chí tại Việt Nam giữa năm ngoái cho hay, mỗi tháng Việt Nam phải dành ra số tiền khoảng hơn 1 tỉ đô la để trả nước nước ngoài. Vì ngân sách thiếu hụt, chính quyền phải đưa kế hoạch vay thêm 20 triệu đô la vừa để trả nợ vừa để “đảo nợ” tức những khoản vay đáo hạn mà không có khả năng thanh toán, đồng thời bù đắp các khoản bội chi.

Venezuela : Thất bại của mô hình « Xã hội chủ nghĩa thế kỷ 21 »

Thanh Hà-19-07-2017
(RFI)
Mới chỉ ba thập niên trước, Venezuela là một đất nước giàu có, phát triển không kém Tây Ban Nha, nay nước này lâm vào cảnh đói kém. Sống trên giếng dầu lớn thứ nhì thế giới nhưng người dân Venezuela lại không có xăng để dùng. Hồi kết của mô hình « Xã hội chủ nghĩa thế kỷ 21 » được cố tổng thống Hugo Chavez vạch ra cách nay chưa đầy hai thập niên ?

Venezuela : Thất bại của mô hình « Xã hội chủ nghĩa thế kỷ 21 »
Caracas, một biển người đòi người kế thừa của Hugo Chavez, là tổng thống Maduro từ chức. Ảnh tháng 6/2017. REUTERS/Christian Veron

« Chín tầng địa ngục »

Vào đầu những năm 2000, Venezuela đóng vai trò đầu tàu của châu Mỹ La Tinh. Năm 1999, lãnh đạo cánh tả mang tên Phong Trào Nền Cộng Hòa Thứ Năm, Hugo Chavez, lên cầm quyền và giương cao ngọn cờ mô hình « Xã hội chủ nghĩa thế kỷ 21 », mà ở đó vế phát triển xã hội phải là ưu tiên hàng đầu. Caracas, dưới những năm tháng Chavez đã huy động đến 43 % ngân sách Nhà nước để phát triển các chương trình xã hội, từ y tế đến giáo dục và nhất là nhà ở cho dân nghèo.

Một số chính trị gia, cả ở Tây Âu, từng kỳ vọng nhân vật này đang mở ra một con đường mới. Chính sách xã hội của tổng thống Chavez ở Venezuela khiến nhiều nước ở châu Mỹ La Tinh ngưỡng mộ. Caracas là điểm tựa của Cuba, Nicaragua và nhiều nước bạn ở Nam Mỹ nhờ cấp dầu hỏa cho các quốc gia này với giá « hữu nghị ».

Năm 2017, người bạn hào phóng này của nhiều nước ở châu Mỹ La Tinh lao đao : người dân Venezuela lo kiếm cơm từng bữa. Năm 2006 khi vận động tái tranh cử, ông Chavez tự hào cải thiện đời sống cho 30 triệu dân Venezuela. Một chục năm sau, Venezuela đang thiếu đủ mọi thứ từ thuốc men đến lương thực thực. Thiếu luôn cả điện và xăng dầu.

Venezuela lún sâu vào khủng hoảng kinh tế, xã hội và chính trị. Đất nước bị chia rẽ hơn bao giờ hết. Trên phương diện chính trị, khủng hoảng khơi mào từ cuối 2015 khi phe đối lập giành được đa số tại Quốc Hội. Phe chống tổng thống Maduro đòi ông từ chức.

Từ tháng 09/2019, có tới 80 % người dân Venezuela đòi thay đổi chính quyền. Thế nhưng để bám víu vào chiếc ghế tổng thống, Nicolas Maduro đưa ra sáng kiến vô hiệu hóa Quốc Hội do đối lập kiểm soát bằng cách lập một Quốc Hội Lập Hiến, với 545 thành viên do ông chỉ định. Tối Cao Pháp Viện thân chính quyền đã phủ quyết tất cả các quyết định của Quốc Hội. Đó là giọt nước làm tràn ly.

Khủng hoảng Venezuela bước sang một khúc quanh mới kể từ ngày 18/04/2017, khi ba người biểu tình thiệt mạng trong một cuộc tuần hành chống Maduro. Tính cho tới ngày 10/07/2017, tức chưa đầy ba tháng sau, số nạn nhận đã lên tới gần 100 người.

Trong địa hạt kinh tế và xã hội, hơn 1/4 dân số không có việc làm. GDP giảm 18,6 % so với 2015. Lạm phát sau khi đã tăng 800 % năm ngoái. Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế dự báo vật giá sẽ còn tăng lên gấp 10 lần trong năm 2017.

Giấc mơ tan vỡ

Giấc mơ mở ra một con đường mới, xây dựng một mô hình phát triển mới theo hướng xã hội chủ nghĩa cho thế kỷ 21 của cố tổng thống Chavez tan vỡ. Đâu là những sai lầm của chủ thuyết đó ? Trả lời Jean-Pierre Boris trên đài RFI Pháp ngữ, trong khuôn khổ chương trình Eco d'Ici Eco d'Ailleurs, Luis Colasante, chuyên gia về thị trường dầu khí Venezuela, kinh tế gia Camillo Umana-Dajud thuộc trung tâm nghiên cứu kinh tế CEPII của Pháp và phóng viên độc lập François Xavier Freland cùng phân tích về những sai lầm trong chiến lược phát triển của gần 20 năm dưới thời Chavez và Maduro.

Trưng thu đất của nông dân

Trước hết chuyên gia người Venezuela Luis Colasante nhấn mạnh đến sai lầm của Caracas chỉ trông chờ vào một lĩnh vực dầu khí để đem lại ngoại tệ :

« Venezuela sản xuất có mỗi một mặt hàng là dầu hỏa. Xuất khẩu dầu hỏa bảo đảm 76 % ngân sách quốc gia. Hiềm nỗi, các chính quyền Caracas liên tiếp không biết sử dụng nguồn thu nhập này để mở mang mạng lưới công nghiệp trên toàn quốc- như là ngành chế biến thực phẩm chăn nuôi, trồng trọt. Đáng tiếc hơn nữa, Venezuela có đất đai màu mỡ và phì nhiêu nhưng nông nghiệp lại không được phát triển. Từ gần 20 năm qua, giới tiểu nông đã đua nhau bán đất để lên thành phố kiếm sống ».

Nhà báo François Xavier Freland nói thêm đến chính sách tịch thu đất đai của nông dân để phát triển các hợp tác xã mà hậu quả là một phần giới canh nông phải bỏ nước tha phương cầu thực :

« Có rất nhiều người đã bị chế độ Chavez tịch thu đất đai. Đầu những năm 2000, khi lên cầm quyền, Hugo Chavez chủ trương dẹp bỏ các hoạt động tư nhân để thành lập các tổ hợp tác xã. Chính sách tịch thu đất của nông dân đã tăng tốc trong giai đoạn 2008-2009.

Mọi người còn nhớ những loạt phóng sự truyền hình cho thấy người hùng Chavez ồn ào khánh thành những hợp tác xã với một số máy móc mua lại của Iran. Nhưng rồi, nông dân không được đào tạo để sử dụng từ máy cầy đến máy gặt, hay là hệ thống tự động vắt sữa bò … Chỉ sau một thời gian, hàng trăm hợp tác xã bị bỏ trống. Nông dân thì đói vì không còn đất canh tác. Tôi có biết rất nhiều các trường hợp mà người ta phải bỏ xứ, sang Costa Rica hay Colombia kiếm sống ».

Sai lầm trong quan hệ thương mại

Về phía nhà nghiên cứu Camillo Umana-Dajud, Trung Tâm Nghiên Cứu về triển Vọng Kinh Tế Quốc Tế CEPII của Pháp, ông cho rằng cố tổng thống Chavez đã đi lỡ một nước cờ khi xa rời cộng đồng Andean – CAN để xích lại gần với khu vực MERCOSUR từ đó tách rời hai nhà cung cấp truyền thống là Equador và nhất là Colombia :

« Nông nghiệp không là chủ lực kinh tế của Venezuela. Quốc gia này thường phải nhập khẩu lương thực, thực phẩm Colombia, của Equador. Khúc mắc nằm ở chỗ, khi lên cầm quyền năm 1999, Hugo Chavez và người kế nhiệm ông sau này là tổng thống Nicolas Maduro, đã xa rời Cộng đồng Andean- CAN – bao gồm 10 nước thành viên mà Colombia là một trong bốn cột trụ sáng lập ra khối này. Caracas mở rộng quan hệ với thị trường chung Nam Mỹ- MERCOSUR.

Liên minh mới này dẫn tới hậu quả là Venezuela nhập hàng của Brazil và Achentina nhiều hơn. Thực phẩm, ngũ cốc, lúa mì, bơ, sữa và nhất là thịt bò tăng giá vì phải nhập từ xa, tốn kém nhiều chi phí chuyên chở. Vấn đề này không đặt ra ở thời điểm mà Venezuela xuất khẩu dầu hỏa với giá 120-150 đô la một thùng. Nhưng khi giá dầu bị giảm đi phân nửa, rồi chỉ còn có 1/3 so với thu nhập hồi năm 2010, thì Venezuela lâm vào thế kẹt.

Thêm vào đó, ở vào đầu những năm 1980 kinh tế Venezuela phụ thuộc 75 % vào dầu hỏa, nhưng 25 % còn lại gồm nhiều có nhiều lĩnh vực như công nghệ hóa chất, nhựa và kể cả ngành công nghiệp xe hơi. Trong hơn một chục năm dưới thời của tổng thống Chavez, chỉ còn có mỗi ngành dầu hỏa là đứng vững. Phần còn lại bị thui chột vì hàng sản xuất ra không bán được cho các đối tác trong khu vực Andean. Đặc biệt là cả Chavez lẫn Manduro đều quyết định đóng cửa biên giới với Colombia ».

Quản lý kém cỏi

Sau nhiều lần công tác trên quê hương của Chavez, phóng viên Pháp nhà báo François Xavier Freland nhận thấy là người dân Venezuela mới chỉ 5 năm trước có khuynh hướng béo phì vì ăn uống quá độ, nay đang hốc hác vì thiếu ăn. Với nhà báo François Xavier Freland, Venezuela được thiên nhiên ưu đãi nhưng do quản lý kém cỏi đang đẩy 30 triệu dân vào cảnh đói nghèo.

« Venezuela là một quốc gia may mắn có đủ mọi thứ : có rất nhiều sông ngòi, ruộng đất phì nhiêu. Xưa kia có những nông trại lớn hoạt động tại ngay trên vùng Barinas- quê của Chavez, nhưng nay tất cả đều đã đóng cửa vì thiếu phân bón, vì không có phương tiện để tiếp tục khai thác, chăn nuôi. Venezuela là xứ nuôi bò và gia súc, chỉ sau 2 thập niên lại phải đi mua lại thịt bò của Urugugay và Achentina với cái giá đắt đỏ ».

Nhà kinh tế Camillo Umana-Dajud nêu bật sai lầm của chính sách quốc hữu hóa các ngành công nghiệp chính của Venezuela :

« Mới chỉ vào quảng năm 1985 Venezuela giàu có và phát triển ngang tầm với Tây Ban Nha. Đây là vùng đất hứa của người nhập cư từ bỏ châu Âu đi tìm một chân trời mới để lập nghiệp. Nhưng từng bước, quốc gia nam Mỹ này lún vào khủng hoảng. Đặc biệt bất bình đẳng trong xã hội ngày càng lớn. Đây chính là chìa khóa đưa ông Chavez lên cầm quyền. Có thể nói là  trong 12 năm trời, Hugo Chavez đã thu hẹp được khoảng cách giàu nghèo đó lại.

Nhưng bên cạnh đó là hàng loạt những sai lầm trong chính sách kinh tế : chúng ta đã nói tới những vụ trưng thu đất để lập ra các hợp tác xã. Ngoài ra, nhà nước quốc hữu hóa luôn các nhà máy, các công ty khai thác quặng mỏ.

Hàng loạt các tập đoàn ngoại quốc rút vốn khỏi Venezuela. Những hãng cung cấp hàng cho Venezuela gần đây đều ngưng giao dịch với quốc gia này, vì Caracas không còn khả năng thanh toán. Venezuela nợ rất nhiều các công ty của Colombia, hay Chilê, Achentina …

Tất cả những yếu tố đó giải thích vì sao, hiện tại, người dân xứ này thiếu đủ mọi thứ, từ thực phẩm đến thuốc men và kể cả xăng dầu ».

Tự tay bóp chết con gà đẻ trứng vàng

Sau cùng chuyên gia về dầu khí người Venezuela, Colasante nêu lên « sự điên rồ » của chế độ Chavez đã từng bước bóp chết con gà đẻ trứng vàng, đem lại 96 % ngoại tệ cho quốc gia, bảo đảm 76 % ngân sách nhà nước :

« Venezuela đang nắm giữ nguồn dự trữ dầu hỏa lớn thứ nhì trên thế giới, chỉ sau có Ả Rập Xê Út. Nhưng người dân không có xăng. Venezuela có khả năng cung cấp 5.000 triệu thùng dầu một ngày, nhưng trước mắt chỉ sản xuất được có 1,8 triệu. Có nhiều yếu tố giải thích cho điều này : thứ nhất là thiếu đầu tư, do các tập đoàn ngoại quốc từ của Ý đến Anh, hay Hà Lan đều đã rút khỏi Venezuela.

Thứ hai là chính sách quốc hữu hóa của ông Chavez đã đem lại nhiều tai hại. Tập đoàn dầu khí lớn nhất trên toàn quốc bị nhà nước thâu tóm. Chính phủ đuổi một loạt các kỹ sư giỏi và có nhiều kinh nghiệm để đưa những thành phần trung thành với ‘cuộc cách mạng mang tên Chavez’ vào thay thế. Không có đầu tư, không có kỹ thuật và kinh nghiệm, chỉ trong một thời gian ngắn, một phần lớn của nền công nghiệp dầu khí Venezuela- nguồn thu nhập chính của cả nước- đương nhiên bị xuống cấp.

Điểm thứ ba là dầu của Venezuela vừa đặc vưà khó khai thác. Đòi hỏi đầu tư nhiều trong lĩnh vực lọc dầu, mà như đã nói, đầu tư vào công nghệ dầu hỏa của Venezuela đã xuống cấp nghiêm trọng dưới những năm tháng cầm quyền của Hugo Chavez và Nicolas Maduro. Hệ quả trực tiếp là đã xảy ra nhiều tai nạn, như vụ nổ nhà máy lọc dầu vì bảo quản kém … ».

Không chỉ thất bại với công luận trong nước, mà ngay cả trên trường quốc tế, mô hình xã hội chủ nghĩa thế kỷ 21 được ông Chavez vạch ra năm 1999 đã hết thiêng. Cánh tả ở châu Mỹ La Tinh đang phải thoái lui, từ Achentina tới Brazil. Trong lúc đồng minh cốt lõi của Venezuela là Cuba thì ngày càng hướng về Hoa Kỳ.

Caracas không còn khả năng tài chính để giữ những người bạn mới !

Việt Nam sẽ phát triển bằng... ‘huy động’ và in tiền?

Anh Văn-21-07-2017 
(VNTB) - Nhà nước sẽ không lặp lại cách thức đổi tiền như năm 1985, mà ngược lại sử dụng kịch bản mang tính tinh vi hơn bằng cách dùng truyền thông và khả năng in tiền để tạo ra một cuộc lạm phát có chừng mực nhằm đẩy giá vàng lên cao nhất.

Câu chuyện phát triển thiếu bền vững của Việt Nam tiếp tục là câu chuyện dài hơi!


Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan từng phát biểu vào năm 2015 rằng, “Việt Nam là mô hình kỳ lạ nhất thế giới: Nước… không chịu phát triển!”, và nay – nó ngày càng minh chứng cho tính sự… thật!

Trong tuần vừa qua, chủ lực tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam là dầu khí và ngành than (đóng góp lớn cho GDP) nhận tin đáng buồn! Trong khi ngành dầu khí đối diện với thực trạng giá dầu giảm - chỉ mức 40-50 đô la Mỹ/thùng, khiến bản thân lãnh đạo ngành phải thừa nhận “sẽ dẫn đến việc thu xếp tài chính rất khó khăn, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN)” thì ngành than lại phải trong hoàn cảnh tồn kho lên mức 18,85 triệu tấn!

Năm 2015, than và dầu khí đứng thứ 3 trong nhóm yếu tố góp phần tăng trưởng GDP của Việt Nam!

Cùng lúc đó, phía Chính phủ đang đối diện với áp lực lớn liên quan đến chỉ số tăng trưởng, dẫn đến việc, trong suốt thời gian vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc liên tục nhắc lại quan điểm tăng trưởng Chính phủ là phải đạt tăng trưởng GDP 6,7% năm 2017, với 6 tháng đầu năm đạt 5,73% thì nhiệm vụ của 6 tháng còn lại phải là 7,42%.

Con số này rất lớn trong bối cảnh chung của nền kinh tế, buộc “cả hệ thống chính trị” phải gia tăng sức ép lên các thành phần trong nền kinh tế - xã hội. Kết quả, đề án chống đô-la hoá, vàng hoá ra đời; cũng như khi chủ trương huy động nguồn lực vàng trong dân chưa dứt thì yêu cầu 3 lần từ chính phủ về việc huy động đô-la trong dân bắt đầu.

Việt Nam sẽ phát triển bằng... “huy động” và in tiền!?!

Vấn đề đặt ra là, ngay cả khi đề nghị sự huy động này không chảy vào đại gia mà vào DN khởi nghiệp, sản xuất kinh doanh, cơ sở hạ tầng thì liệu điều này có hiện thực hay không?

Thứ nhất, mấu chốt của “huy động” nguồn lực trong dân chính nằm ở niềm tin của người dân đối với Chính phủ! Làm cách nào để huy động khi mà giá trị niềm tin về điều hành và hoạch định chính sách kinh tế của Chính phủ bung bét trong thời gian vừa qua. Chưa đề cập đến 12 dự án thua lỗ hàng nghìn tỉ đồng, thì ngay với tập đoàn EVN – vốn là DNNN độc quyền - vừa qua lại gánh 10.000 tỷ đồng lỗ tỷ giá, nhưng “đi xa hơn cả” là EVN lại muốn tính vào giá điện. Đối với PVN, thì trong nước chỉ tính riêng đợt nâng cấp nhà máy lọc dầu Dung Quất đã lỗ 85.000 tỷ đồng, bên ngoài thì đầu tư dầu khí tại nước “xã hội chủ nghĩa Venuzuela” gây thiệt hại 11.500 tỷ đồng.

Dân nào sẽ can đảm thế chấp niềm tin rằng, nguồn tiền họ bỏ ra sẽ không tiếp tục “đài thọ” cho các tập đoàn này?

Nhà nước có lẽ đã hiểu sự sụp giảm niềm tin đó nên vừa qua, có liên tiếp các sự kiện liên quan đến chấn chỉnh tình hình kinh doanh của các tập đoàn nhà nước cũng như tìm cách tiến hành các hoạt động pháp lý đối với các sai phạm liên quan đến sử dụng nguồn ngân sách. Điển hình như, Bộ Công an và Thanh tra vào cuộc xử lý vụ 12 dự án thua lỗ nhằm chứng minh quyết tâm Chính phủ trong làm sạch nền kinh tế!

Và trong một diễn biến được cho liên quan, Bộ Tài chính đôn đốc trả nợ tiền vay dân trong 2 cuộc kháng chiến! Thực ra nếu nhìn vào đây, thì có thể nhận ra ý đồ đằng sau là “khẳng định tính uy tín” của Chính phủ trong vay- trả nợ; và gián tiép khuyến khích người dân gửi tiền hoặc ủng hộ chính sách huy động trong dân!

Vấn đề tiếp tục nảy sinh là, làm cách nào để thu hồi nguồn tiền thất thoát do tham nhũng và khả năng điều hành kém cỏi mang lại, cũng như giữ chân được sự trượt giá của đồng tiền?. Ngay cả đề án huy động của Chính phủ cũng tiếp tục gieo rắc một sự sợ hãi trong dân về hiện tình nền kinh tế bị vắt kiệt sữa, khả năng hạn chế chi tiếp tục suy giảm dẫn đến tăng cường nguồn thu. Bởi không đâu xa, bội chi thông qua con số biên số tăng nhanh tiếp tục là vấn đề nóng, và gần như không thể kiềm hãm được, theo thông tin vào tháng 5/2017 cho thấy, biên chế tiếp tục tăng 20.400 người chiếm 0,57 % thay vì giảm theo “quyết tâm đến năm 2021 giảm thêm 10%.”

Vậy Nhà nước sẽ làm bằng cách nào? Chỉ có một cách, đó là Nhà nước sẽ không lặp lại cách thức đổi tiền như năm 1985, nhưng sử dụng kịch bản tương tự mang tính tinh vi hơn, bằng cách dùng truyền thông và khả năng in tiền để tạo ra một cuộc lạm phát có chừng mực để đẩy giá vàng lên cao nhất (kết hợp với độc quyền vàng qua tín chỉ vàng), kích thích lòng tham trong dân, buộc họ bán ra (thậm chí là lướt sóng vàng, đô-la), để thu gom vàng, đô-la. Kết quả, người dân sẽ thu về tiền đồng với khả năng trượt giá vô hạn, lúc đó đồng tiền của Việt Nam là phiên bản của đồng tiền Zimbabwe.

‘Bội chi ngân sách thấp nhất trong 6 năm’: Thành tích hay mị dân?

Minh Quân-20-07-2017
(VNTB) - Nếu thực tế giải ngân vốn đầu tư phát triển diễn ra theo đúng kế hoạch của Chính phủ, bội chi ngân sách trong 6 tháng đầu năm 2017 sẽ là con số bằng với số bội chi hiện hữu 32.000 tỷ đồng cộng với số chi đầu tư phát triển khoảng 90.000 tỷ đồng, tức khoảng 120.000 tỷ đồng, tương đương bội chi 6 tháng đầu năm 2016 mà chẳng hề giảm đi chút nào.


Kết thúc 6 tháng đầu năm 2017, Chính phủ và các bộ ngành kinh tế cùng hệ thống tuyên giáo phấn khích đưa tin “Bội chi ngân sách thấp nhất trong 6 năm trở lại” - như một cách tung hô thành tích của chính phủ thời Nguyễn Xuân Phúc.

Nhưng có thực như vậy không?

Một số chuyên gia kinh tế lại phân tích theo một chiều kích phản ngược: bội chi 6 tháng đầu năm 2017 “giảm hẳn” là do xuất phát từ thực tế chậm giải ngân vốn đầu tư phát triển chứ không phải đến từ việc cắt giảm chi tiêu thường xuyên của bộ máy nhà nước...

Bởi trong cơ cấu chi ngân sách, chi dành cho đầu tư phát triển tiếp tục duy trì ở mức thấp, ước tính đạt 83,3 nghìn tỷ đồng, tương đương với 23,3% dự toán năm và chỉ chiếm 15,6% tổng chi.

Tình trạng trên đã được xác nhận bởi chính Phó thủ tướng Vương Đình Huệ trong kỷ họp quốc hội liên quan tới việc giải ngân, phân bổ vốn đầu tư công, thừa nhận, việc giải ngân vốn đầu tư công năm 2016 và những tháng đầu năm 2017 tuy cao hơn cùng kỳ nhưng “thẳng thắn mà nói là còn chậm, không phân bổ hết dự toán”. Thậm chí ông Huệ còn than thở:  “Chúng ta có tiền mà không tiêu hết được”…

Rất đáng chú ý là trong khi đó, chi thường xuyên vẫn đạt 44,5% so với dự toán, tương đương 398,9 nghìn tỷ đồng. Tốc độ tăng chi thường xuyên thậm chí còn có xu hướng gia tăng về mặt danh nghĩa (2015: 7,3%, 2016: 5,2%, 2017: 9,8%).

Đồng thời, chi trả nợ gốc và lãi lần lượt đạt 88,1 và 50 nghìn tỷ đồng, tương ứng đạt 53,8% và 50,5% dự toán. Các khoản chi này cho thấy áp lực trả nợ của Chính phủ đang ngày càng tăng cao.

Như vậy, nếu thực tế giải ngân vốn đầu tư phát triển diễn ra theo đúng kế hoạch của Chính phủ, bội chi ngân sách trong 6 tháng đầu năm 2017 sẽ là con số bằng với số bội chi hiện hữu 32.000 tỷ đồng cộng với số chi đầu tư phát triển khoảng 90.000 tỷ đồng, tức khoảng 120.000 tỷ đồng, tương đương bội chi 6 tháng đầu năm 2016 mà chẳng hề giảm đi chút nào.

Cần nhắc lại, bội chi ngân sách năm 2016 là khoảng 5% GDP, bằng đúng ngưỡng “cho phép” theo tiêu chí quốc tế.

Vào năm 2013, bội chi ngân sách nhà nước đã đến mức kỷ lục: 6.6%.

Vào năm 2014, lần đầu tiên thủ tướng bị coi là “phá chưa từng có” -  Nguyễn Tấn Dũng - phải ra trước Quốc Hội xin nâng trần bội chi ngân sách từ 4,7% lên 5,3%.

Còn vào năm 2015, một “tin vui” đã xảy đến với bộ mặt chính trị quốc gia: Tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước năm đó “chỉ có” 6,1% GDP, chỉ thấp hơn đôi chút mức bội chi ngân sách 6,6% GDP của năm 2013.

Khác hẳn những năm trước, ngân sách trung ương đang cực kỳ khốn quẫn. Ngân sách này chỉ có thể lo việc chi trả lương và một ít đề mục về an sinh xã hội, còn đa phần “đầu tư phát triển” phải tiết chế đến mức tối thiểu. Sau trào lưu xây trụ sở và tượng đài từ ngàn tỷ đến chục ngàn tỷ vô tội vạ và vô liêm sỉ trong những năm trước, đến giờ ngân sách tìm ra một ngàn tỷ đồng để chi đã là khó khăn. 

Đó cũng là nguồn cơn chính yếu để gần một năm sau cuộc chuyển giao quyền lực chính phủ Việt Nam, Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc bắt đầu có những phát ngôn “lạ” về kinh tế ngay vào khoảng thời gian chuyển thời giữa năm 2016 và 2017: “Nợ công nếu tính đủ thì đã vượt trần” và đặc biệt là ông cảnh báo tương lai “Sụp đổ tài khóa quốc gia.”

Kể từ cơn khủng hoảng giá – lương – tiền 1985, có lẽ chưa bao giờ ngân sách Việt Nam lại rơi vào thảm trạng quay quắt như giờ đây. Gần đây, một nguồn giấu tên tiết lộ một sự thật chẳng mấy người muốn tin: Việt Nam vỡ nợ không còn là “nguy cơ” nữa, mà đã trở nên hiện hữu.

Cận cảnh đang lờ mờ hiện ra là ngân sách Việt Nam sẽ bị vỡ nợ hệt như Argentina hai lần vào năm 2001 và 2014.


Hiện tượng đặc thù “định hướng xã hội chủ nghĩa” ở Việt Nam luôn là sự xa hoa tột đỉnh đối lập với giai tầng giá áo túi cơm: làm thế nào có thể lý giải được những chiến dịch chi đậm của ngân sách cho những con đường có giá thành đắt nhất hành tinh và hàng chục công trình trụ sở công quyền có giá đến hàng ngàn tỷ đồng hoặc hơn, với hình ảnh thịt chuột biến thành bữa ăn của trẻ em vùng xa cùng những người dân nghèo chết thảm khi đu dây qua suối dữ?

Vì sao chính phủ phải ‘huy động vàng và USD trong dân’?

Minh Quân-21-07-2017
(VNTB) - Thực sự bi kịch, cho dù Ngân hàng nhà nước - rất có thể phải in tiền càng nhiều càng tốt - đã “gom” được 10 tỷ USD từ thị trường, mà chủ yếu từ dân, vào năm 2016 để đắp kho dự trữ ngoại hối lên hơn 40 tỷ USD.

Dấu hỏi cực lớn

Không phải một lần, mà Thủ tướng Phúc có đến 3 lần nhắc đến vấn đề tìm cách huy động nguồn lực ngoại tệ trong dân nhưng trong buổi làm việc với Tổ công tác của Chính phủ hôm 18/7/2017.

Nhưng trước đó nhiều năm, rất nhiều người đã đặt một dấu hỏi cực lớn rằng Ngân hàng nhà nước và Chính phủ lấy gì đảm bảo cho vàng và ngoại tệ của dân để tránh bị thất thoát hoặc “bốc hơi”, trong khi chính Ngân hàng nhà nước lại là tác nhân gây ra hàng loạt hậu quả lớn trong điều hành các ngân hàng thương mại cổ phần lỗ lã…

Câu hỏi trên vẫn tồn tại dai dẳng suốt những năm sau đó, tương ứng cứ hàng năm Chính phủ và Ngân hàng nhà nước lại nêu ra đề nghị “huy động vàng và ngoại tệ trong dân”. Và cứ như một điềm báo, câu hỏi này đã được phần nào xác nhận khi những năm gần đây đã chứng kiến nhiều vụ việc tiền gửi của dân trong một số ngân hàng đã không cánh mà bay. Thế thì làm sao còn tin được ngân hàng nếu vàng và USD được “huy động” vào trong đó?

Thực chất là gì?

Vẫn đang lập lờ những ý kiến của giới quan chức ngân hàng và chính phủ cho rằng “huy động vàng và USD” để “chống vàng hóa và đô la hóa”, hoặc chính trị hơn cả là “khoan sức dân”… Nhưng có thực như vậy không?

Dù chẳng có cuộc khảo sát hoặc thăm dò nào về dư luận xã hội, nhưng chắc chắn tuyệt đại đa số người dân Việt Nam không còn giữ được một niềm tin nào, dù chỉ tương đối, vào kết quả điều hành của Chính phủ và cung cách làm việc của giới quản lý ngân hàng. Toàn bộ các khẩu hiệu và tuyên rao mang tính mị dân đã chỉ làm tạo được một kết quả duy nhất là phản kết quả.

Ngược lại, qua việc Chính phủ và Ngân hàng nhà nước ngày càng “tha thiết” với công cuộc “huy động vàng và USD” trong dân, người dân lại càng nhận rõ rằng ngân sách nhà nước quả đến hồi bi kịch.

Thực sự bi kịch, cho dù Ngân hàng nhà nước - rất có thể phải in tiền càng nhiều càng tốt - đã “gom” được 10 tỷ USD từ thị trường, mà chủ yếu từ dân, vào năm 2016 để đắp kho dự trữ ngoại hối lên hơn 40 tỷ USD.

Nhưng hơn 40 tỷ USD của dự trữ ngoại hối cũng chỉ đủ cho 3 tháng nhập khẩu. Còn trả nợ nước ngoài hàng chục tỷ USD hàng năm và hàng hà nhu cầu khác thì sao?

Kết quả thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2017 lại tệ hại: chỉ đạt số thu có 41,5% so với dự toán, thấp hơn hẳn mức thu của các năm trước. Trong đó chủ yếu giảm thu từ nguồn thu nội địa, tức từ các doanh nghiệp và từ dân - một phản ánh hoàn toàn xác đáng trong bối cảnh nền kinh tế không phải “tăng trưởng 6,7%” mà vẫn tiếp tục suy thoái và lụn bại.

Vậy thì chỉ có thể hiểu: “huy động vàng và USD trong dân” thực chất là để dùng cho việc trả nợ nước ngoài và chi dùng cho các nhu cầu của ngân sách nhà nước - một nền ngân sách mà cho tới nay vẫn phải cõng trên lưng “30% công chức không làm gì cả nhưng vẫn lĩnh lương”.