Wednesday, May 31, 2017

Nhà thầu Trung Quốc ‘bao vây’ các công trình ở Việt Nam

Cát Linh, phóng viên RFA 2017-05-31 
Gian hàng của Công ty Phụ tùng ôtô Quangzhou Mingyang của Trung Quốc tại một cuộc Triển lãm Vietnam AutoExpo ở Hà Nội.
Gian hàng của Công ty Phụ tùng ôtô Quangzhou Mingyang của Trung Quốc tại một cuộc Triển lãm Vietnam AutoExpo ở Hà Nội.  AFP photo
Bộ Kế hoạch đầu tư hôm thứ Sáu 26 tháng 5 thừa nhận việc rất nhiều nhà thầu Trung Quốc trúng các dự án lớn và quan trọng ở Việt Nam. Tuy nhiên thực tế cho thấy những dự án do Trung Quốc trúng thầu sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng một thời gian ngắn không đảm bảo chất lượng, mau xuống cấp.
Những lý do do Bộ Kế hoạch- Đầu tư đưa ra có được xem là hợp lý hay không? Qui trình đấu thầu ở Việt Nam hiện tại có đúng luật hay không?
Thực trạng của vay vốn
Một trong những nguyên nhân đầu tiên và chủ yếu do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra là Việt Nam phải sử dụng vốn vay của Trung Quốc. Theo cách giải thích, để vay vốn của Trung Quốc thì Việt Nam phải chấp nhận nhà thầu Trung Quốc thực hiện gói thầu như một điều kiện vay.
Bình luận về điều này, trước tiên Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia về ngân hàng hiện đang làm việc tại Việt Nam cho biết, ông nhìn nhận đấy là “một thực trạng”. Để nói về sự hợp lý hay không trong nguyên nhân do Bộ kế hoạch đầu tư đưa ra, ông nhắc đến những gói tài trợ giúp chính phủ Việt Nam phát triển gọi là ODA
“Những gói và chương trình ODA như thế thường đi kèm với lợi ích của quốc gia đó. Chẳng hạn như những nhà thầu Nhật Bản có những gói tài trợ cho những công trình về hạ tầng cơ sở, cầu cống… họ cũng có những điều kiện là chúng ta phải tuyển dụng, dùng kỹ sư của họ hoặc dùng những nguyên vật liệu mà họ đề nghị.
Chúng ta không thể loại trừ lợi ích quốc gia của các nước cung cấp ODA và các nước đầu tư trong chương trình hỗ trợ Việt Nam.”
Ông nói rằng nguyên tắc này cũng đúng với Trung Quốc khi họ đưa ra những gói hỗ trợ Việt Nam ở hạ tầng cơ sở cũng như những lĩnh vực kinh tế khác.
“Họ kèm theo điều kiện chẳng hạn như phải cho họ trúng thầu, phải tuyển dụng lao động của họ, phải mua nguyên vật liệu của họ.
Đây là điều xảy ra thông thường.Vấn đề là chúng ta chấp nhận được đến đâu.”
Họ kèm theo điều kiện chẳng hạn như phải cho họ trúng thầu, phải tuyển dụng lao động của họ, phải mua nguyên vật liệu của họ.
- Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu
Một chi tiết đáng chú ý trong nhận định của tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, ông đề cập đến vấn đề mua nguyên vật liệu. Vào đầu tháng 5 vừa qua, báo trong nước dẫn lời của Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và Chính sách (Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội – VEPR) cho biết số vốn đầu tư của Trung Quốc là bước đi nằm trong kế hoạch chuyển giao công nghệ, kỹ thuật và máy móc cũ sang các nước nhận đầu tư. Một trong những nước đó là Việt Nam.
Riêng về vấn đề đấu thầu, chính Bộ KH-ĐT cũng khẳng định trong thông tin mới nhất rằng Việt Nam nên tự chủ về vốn, tránh việc vay vốn Trung Quốc quá nhiều.
“Trong một nền kinh tế quốc gia, chính phủ phải đưa ra những tiêu chí để phân bổ đầu tư và làm sao tránh được tập trung quá nhiều vào 1 nhà cung cấp hoặc 1 nhà tài trợ. Có lẽ Trung Quốc là một thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam.”
Theo Trang thông tin điện tử Đầu Tư Nước Ngoài, trong Quý I năm 2017 có 71 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Trong đó Trung Quốc đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký là 823,6 triệu USD, chiếm 10,68% tổng vốn đầu tư.
Với những thống kê trên, cùng với báo cáo do Bộ KH-ĐT đưa ra, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhận định rằng sự lệ thuộc của Việt Nam vào Trung Quốc trong những lĩnh vực tài chính, đầu tư, thương mại mậu dịch ngày càng cao.
Mặc dù cũng không phủ nhận rằng Việt Nam cần nhiều nguồn đầu tư từ nước ngoài trong lúc này, nhưng Tiến sĩ Vũ Quang Việt, kinh tế gia của Liên Hiệp quốc đồng thời nhấn mạnh:
“Có thể Việt Nam vẫn cần nhưng cần là cần cái tốt chứ không phải cái xấu.”
Quy trình và chất lượng
Ba yếu tố khác mà theo Bộ Kế hoạch – Đầu tư là nguyên nhân dẫn đến lý do vì sao nhà thầu Trung Quốc trúng nhiều công trình dự án quan trọng có giá trị cao, đó là chất lượng lập, phê duyệt dự án chưa chính xác, thứ ba là phê duyệt tổng mức đầu tư thấp; và cuối cùng là chất lượng công tác lập hồ sơ mời thầu còn yếu kém, chưa đưa ra được rào cản về kỹ thuật để có thể chọn những nhà thầu khác ngoài Trung Quốc.
Liên quan đến việc lựa chọn những nhà thầu nước ngoài cho các công trình dự án trong nước, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu phân tích dựa trên hai yếu tố mà ông cho là tối cần thiết, đó là yếu tố minh bạch và yếu tố công bằng.
“Tất cả những nhà thầu thông thường đều phải qua tiến trình đấu thầu. Nguyên tắc của đấu thầu là phải đấu thầu minh bạch, tức là những tiêu chí, yêu cầu, điều kiện, trúng thầu phải đưa ra rất rõ ràng cho tất cả các bên. Rồi ngày mở thầu, mở tất cả những gói thầu và chủ đầu tư, trong trường hợp này là chính phủ Việt Nam sẽ lựa chọn nhà thầu nào thích hợp nhất với tiêu chí của mình đưa ra với giá hợp lý nhất.”
Về chất lượng, theo ông đây là một vấn đề rất quan trọng trong những công trình, đặc biệt là hạ tầng cơ sở, vốn là những công trình đòi hỏi chất lượng cao. Với quan điểm của ông, điều này là trách nhiệm của Chính phủ.
Nói về Luật Đấu thầu, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Luật Đấu thầu không quy định chọn thầu theo giá rẻ mà chỉ quy định những nhà thầu đã được đánh giá đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật mới được xem xét, xác định giá đánh giá, đề nghị trúng thầu.
Thế nhưng, cũng theo báo cáo của Bộ Kế hoạch – Đầu tư, hiện các nhà thầu Trung Quốc trúng thầu các dự án trọng điểm nhưng triển khai chậm, thi công kém chất lượng như dự án sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông.
Như đề cập, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được khởi công tháng 10/2011 với tổng mức đầu tư trên 18.000 tỷ đồng, sử dụng vốn vay của Trung Quốc. Tuyến đường dài gần 13 km, gồm 12 nhà ga đi toàn bộ trên cao. Theo kế hoạch, tháng 10/2017 dự án sẽ chạy thử liên động toàn hệ thống và dự kiến quý II/2018 dự án sẽ đưa vào khai thác thương mại.
Theo báo Dân trí trong nước đưa tin ngày 23 tháng 5, nhà ga La Khê thuộc dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông có những hiện tượng kính cường lực bị nứt, kẽ ga quá rộng, thiếu bu lông, đinh ốc… Ghi nhận của phóng viên báo Dân trí cho biết những hình ảnh này gây tâm lý e ngại cho người dân về sự an toàn của công trình.
Đưa ra ý kiến về chất lượng của những dự án đấu thầu, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho biết cần phải có những quy trình tuyển chọn nhà thầu rất chặt chẽ, mà trong đó, Chính phủ Việt Nam có một trách nhiệm rất lớn.
“Nếu hiểu rằng đây là những công trình mang tầm mức quan trọng không những cho thế hệ này mà còn cho những thế hệ sau, nó đóng góp một phần rất lớn trong phát triển quốc gia, thì phải đưa ra những gói thầu với tiêu chí rất chặt chẽ. Và chọn lựa những nhà thầu đáp ứng được những tiêu chí đó. Đây là vấn đề của chính phủ.”
Bên cạnh bức xúc của người dân ngày càng tăng đối với các công trình dự án của nhà thầu Trung Quốc, là câu hỏi của một bài báo trong nước phải chăng 12 dự án thua lỗ, yếu kém đều do nhà thầu Trung Quốc đảm nhận?
Đó cũng là ý kiến của Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu khi ví von rằng “Hãy tránh tình trạng bỏ quá nhiều quả trứng vào một rổ”.

Formosa nổ lớn, Linh mục Nguyễn Đình Thục bị bao vây dọa giết

CTV Danlambao - Tối ngày 30/5 đã xảy ra hai sự kiện nghiêm trọng tại khu vực miền Trung, nơi được xem là điểm nóng với những bất ổn an ninh, kinh tế, chính trị kể từ sau thảm họa môi trường biển do Formosa gây ra.

Vào hồi 21h30 cùng ngày, một vụ nổ lớn xảy ra trong khuôn viên nhà máy thép Hưng Nghiệp, Formosa Hà Tĩnh. Thông tin trên các trang báo nhà nước cho biết vụ nổ bắt nguồn từ thiết bị lọc bụi lò vôi 3D thuộc nhà máy Formosa trong quá trình vận hành. Một số nhân chứng tại hiện trường cho biết “tiếng nổ rất lớn phát ra từ nhà máy Fomosa, khói bốc lên nghi ngút khiến nhiều công nhân tại đây hoảng sợ”.

“Vụ nổ nằm trên cùng của thiết bị lò luyện vôi nên không có ảnh hưởng về người. Ngoài ra lò luyện này không liên quan đến sự vận hành của lò cao số 1”, ông phó chủ tịch Hà Tĩnh, ông Dương Tất Thắng cho hay.

Nguyên nhân của vụ nổ cho đến nay vẫn chưa được người có trách nhiệm của Formosa Hà Tĩnh lên tiếng nhưng có thể thấy nhà máy này đã và đang là tai họa khôn lường tại Hà Tĩnh nói riêng và Việt Nam nói chung.

Thảm họa biển chết do Formosa gây ra đã khiến môi trường biển tại miền Trung trở nên vô cùng tồi tệ. Những hệ lụy của nó để lại có lẽ ai cũng nhận thấy, tuy nhiên nhà cầm quyền vẫn chỉ xem đây là “sự cố” môi trường biển. Chính vì thế nhà cầm quyền ra sức bảo vệ thủ phạm gây ra thảm họa môi trường lớn nhất và trầm trọng nhất trong lịch sử Việt Nam.

Sau khi tự ý đưa ra khoản bồi thường 500 triệu Mỹ kim cùng những lời hứa khắc phục các lỗi trong quá trình vận hành nhà máy, Formosa đã được nhà cầm quyền đồng ý cho phép tăng vốn đầu tư tại khu vực Hà Tĩnh. Bên cạnh đó nhà cầm quyền cũng đã chấp thuận việc Formosa vận hành và sử dụng lò cao số 1 trong quá trình sản xuất của nhà máy thép Hưng Nghiệp Formosa.

Vụ nổ lớn tại nhà máy này một lần nữa cho thấy mức độ an toàn của người dân khu vực miền Trung và đặc biệt khu vực Hà Tĩnh, nơi có sự hiện diện của Formosa đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Một diễn biến quan trọng xảy ra ít phút ngay sau vụ nổ lớn tại Formosa Hà Tĩnh có liên quan đến Linh mục Nguyễn Đình Thục khi vị Linh mục này dâng lễ tại Giáo họ Văn Thai nằm trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu-Nghệ An.

Tin cho hay Linh mục Thục định trở về giáo xứ Song Ngọc sau khi dâng lễ tại đây thì được người dân báo có rất nhiều người chặn đường đe dọa tính mạng của Linh mục. Theo lời kể của một số giáo dân Giáo họ Văn Thai thì có tới hàng trăm người từ các xóm lân cận đánh kẻng và kéo tới bao vây Linh mục Thục.


Những người dân này mang theo gạch đá và các hung khí như dao, tuýp sắt, gậy gộc bao vây khu vực Giáo họ Văn Thai, họ la hét đòi giết Linh mục Thục. Nhiều hộ dân tại đây đã bị những người quá khích này dùng gạch đá ném vỡ kính khiến nhiều người trong nhà bị thương. Mặc dù rất nhiều công an sắc phục có mặt tại khu vực này nhưng không có bất cứ động thái nào ngăn chặn bạo loạn từ những kẻ quá khích. Điều đó cho thấy lực lượng công an chính là những kẻ đồng lõa trong âm mưu khủng bố, đe dọa tính mạng Linh mục Nguyễn Đình Thục.

Về phần mình, Linh mục Thục dặn: “nếu có chết thì cũng chỉ một mình cha chịu thôi, không bao giờ cho họ tạo cớ bạo loạn, đừng để ai liên lụy”. Linh mục Thục nói với giáo dân đừng giật chuông hay kêu gọi ai tới, vì như vậy là dính vào mưu hèn kế bẩn được giăng ra. Trích Facebook Paul Trần Minh Nhật.

Sau khi nhà cầm quyền cộng sản tự ý nhận khoản bồi thường từ Formosa Hà Tĩnh để đền bù thiệt hại cho các hộ dân bị ảnh hưởng do thảm họa biển. Cho đến nay rất nhiều hộ dân vẫn chưa nhận được khoản đền bù thỏa đáng, đặc biệt những ngư dân tại khu vực Nghệ An, Hà Tĩnh.

Trước tình trạng bất minh của nhà cầm quyền trong việc sử dụng khoản đền bù thiệt hại của Formosa, Linh mục Nguyễn Đình Thục cùng nhiều vị chức sắc ông giáo đã lên tiếng yêu cầu nhà cầm quyền minh bạch việc bồi thường thảm họa. Chính vì thế nhà cầm quyền đã nhiều lần qui chụp vị Linh mục này thuộc thành “phản động” khi giúp đỡ ngư dân đòi quyền lợi và yêu cầu trục xuất Formosa.

Tình trạng của Linh mục Nguyễn Đình Thục cũng như nhiều vị chức sắc công giáo tại Nghệ An đang bị đe dọa nghiêm trọng. Nhà cầm quyền cộng sản Nghệ An đã ra sức tuyên truyền, bôi nhọ những vị chức sắc này. Cho đến nay những kẻ cầm quyền cộng sản đã gia tăng mức độ khủng bố các Linh mục khi tổ chức đấu tố và sử dụng bạo lực để tấn công linh mục Thục cùng những vị chức sắc tại Nghệ An.

Điểm qua hai sự việc trên để nhận thấy một yếu tố rất đáng chú ý song song với chuyến công du của Thủ tướng cộng sản Nguyễn Xuân Phúc đang diễn ra tại Hoa Kỳ. Mỗi khi nguyên thủ Việt Nam làm việc tại các quốc gia phương tây, trong nước thường xảy ra những vụ bạo loạn gây mất an ninh chính trị đặc biệt liên quan đến vấn đề tôn giáo. Đây có thể được xem là một trong những chiêu bài mà quan chức cộng sản dùng bất ổn an ninh chính trị nhằm đấu đá nội bộ.

31/5/2017