Friday, September 16, 2016

Nguyễn Phú Trọng bắt giam Vũ Đức Thuận, chuẩn bị "sờ gáy" Đinh La Thăng

 Ông Vũ Đức Thuận - một trợ lý thân tín của Đinh La Thăng đã bị bắt giam.
Hoàng Trần (Danlambao) - Ngày 16/9/2016, cơ quan cảnh cát điều tra (C46) thuộc bộ công an đã chính thức khởi tố, bắt giam đối với ông Vũ Đức Thuận, cựu tổng giám đốc  Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) cùng 3 thuộc cấp.

Vụ bắt giữ xảy ra ngay sau khi ông Trịnh Xuân Thanh - cấp trên của ông Thuận thời còn ở PVC, biến mất một cách bí ẩn suốt hơn 1 tháng qua. Cả ông Thanh lẫn ông Thuận đều là những người thân tín đối với ông Đinh La Thăng, bí thư thành uỷ TP.HCM.

Động thái trên cho thấy cuộc chiến triệt hạ phe phái do tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cầm đầu đã chuyển sang một bước ngoặt mới với cường độ ngày càng khốc liệt hơn.

Vuột Thanh, vồ Thuận, đả Thăng

Ông Vũ Đức Thuận.
Liên quan đến khoản thua lỗ 3,300 tỷ tại PVC, 3 thuộc cấp của ông Vũ Đức Thuận cùng bị khởi tố bắt giam gồm có: ông Nguyễn Mạnh Tiến - phó tổng giám đốc PVC; ông Trương Quốc Dũng – cựu phó tổng giám đốc PVC; ông Phạm Tiến Đạt, cựu kế toán trưởng PVC.

Cả 4 người trên cùng bị cáo buộc tội danh "cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" tại Tổng công ty PVC theo điều 165 bộ luật hình sự.

Theo thông báo được đăng trên Cổng thông tin Điện tử bộ công an, trong quyết định khởi tố không có tên của ông Trịnh Xuân Thanh – cựu chủ tịch hội đồng quản trị PVC tại thời điểm xảy ra thua lỗ.

Chi tiết này đã gián tiếp xác nhận thêm về nghi án cựu phó chủ tịch Hậu Giang đã bỏ trốn ra nước ngoài trong suốt nhiều ngày qua.

Thông báo của C46 cũng cho hay, cơ quan này “đang khẩn trương tiến hành điều tra triệt để, mở rộng vụ án”.

Nhiều ý kiến cho rằng, sau cuộc tẩu thoát ngoạn mục của Trịnh Xuân Thanh, tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phải vội vàng ra lệnh bắt giam ông Vũ Đức Thuận nhằm cứu vãn tình thế.

Qua giải pháp “vuột Thanh, vồ Thuận, đả Thăng”, ông Trọng đã chính thức nổ phát pháo hiệu khởi đầu cho cuộc chiến thanh trừng các đối thủ chính trị trong đảng, đặc biệt là những nhân vật thuộc phe Nguyễn Tấn Dũng. Dự kiến, các cuộc bắt giữ sẽ không chỉ dừng lại ở những lãnh đạo liên quan đến PVC.

Khi nào đến lượt Đinh La Thăng?

Qua chiêu bài “đả hổ diệt ruồi”, điểm đích mà ông Nguyễn Phú Trọng muốn nhắm đến là uỷ viên bộ chính trị Đinh La Thăng, đương kim bí thư thành uỷ TP.HCM.

Xin được nhắc lại, tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) là thành viên của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam)

Tại thời điểm xảy ra vụ thua lỗ 3,300 tỷ của PVC, ông Đinh La Thăng khi ấy là chủ tịch Hội đồng thành viên PetroVietnam. Do đó, ông Thăng cũng không thể nói là vô can trong vụ án cấp dưới bị khởi tố tội danh “cố ý làm trái”.

Dù gây thua lỗ tại PetroVietnam, ông Đinh La Thăng vẫn được thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa lên giữ chức bộ trưởng bộ giao thông vận tải. Ít lâu sau đó, ông Vũ Đức Thuận thì về làm trợ lý cho ông Thăng với chiếc ghế chánh văn phòng bộ giao thông vận tải. Còn ông Trịnh Xuân Thanh lên làm Vụ trưởng, Chánh văn phòng ban cán sự đảng bộ Công thương.

Bí thư thành uỷ TP.HCM Đinh La Thăng và chủ tịch nước Trần Đại Quang.


Tại đại hội 12, Nguyễn Tấn Dũng dù bị loại bỏ nhưng vẫn thành công trong việc giành lấy một suất uỷ viên bộ chí trị cho Đinh La Thăng. Đây bị coi là một cái gai trong mắt Nguyễn Phú Trọng.

Do đó, nếu muốn loại bỏ hoàn toàn thế lực Nguyễn Tấn Dũng, ông Trọng trước hết cần phải triệt hạ Đinh La Thăng. Lá bài Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận bỗng chốc bị biến thành con tốt thí trong bàn cờ chính trị của những tay chơi đầy thủ đoạn.

Tuy vậy, cuộc đào thoát và phản công ngoạn mục của Trịnh Xuân Thanh cho thấy Đinh La Thăng không chấp nhận nằm yên chịu trận. Dưới sự quân sư của bố già Nguyễn Tấn Dũng, những đòn đánh tới tấp đã được tung ra nhắm thẳng vào uy quyền của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Thậm chí, cục diện đã dần thay đổi khi chủ tịch nước Trần Đại Quang đang dần lộ rõ âm mưu “ngư ông đắc lợi” khi các phe phái đánh nhau. Việc bộ trưởng công an Tô Lâm để cho Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn là một ví dụ điển hình, Trần Đại Quang một mặt vẫn âm thầm cứu phe cánh Đinh La Thăng, nhưng sau đó lại quay sang thoả hiệp với Nguyễn Phú Trọng trong vụ bắt giam Vũ Đức Thuận.

Những diễn biến trên cho thấy, trong nội bộ chóp bu CSVN có ít nhất 3 phe phái đang tranh chấp quyền lực, tình trạng loạn lạc sẽ tiếp tục tái diễn với cường độ ngày càng càng khốc liệt hơn. Nguy cơ về một cuộc nội chiến “máu nhuộm lăng Ba Đình” sẽ là điều khó tránh khỏi.

Cả dân tộc Việt Nam sẽ bị chết khô vì khát tình người

Em Bụi (Danlambao) - "Rồi đây, cả dân tộc Việt Nam sẽ bị chết khô vì khát tình người" (*) - Tôi tin chắc rằng, điều đó sớm xảy ra trên mảnh đất Việt Nam thân yêu của chúng ta, nếu mỗi người chúng ta vẫn im lặng, vô cảm trước những nỗi đau, tội ác, sự bất công của xã hội.

Qua nay, cư dân mạng đều lên tiếng xót xa trước vụ một thi thể quấn chiếu nằm vắt ngang đằng sau xe máy ở tỉnh Sơn La. Nhưng câu hỏi đặt ra, họ xót xa xong rồi họ sẽ có hành động như thế nào? họ đánh giá như thế nào về vụ việc này? Họ sẽ kêu gọi giúp đỡ gia đình chị P kia và mọi chuyện kết thúc? Hay họ chỉ im lặng, im lặng và im lặng - một sự im lặng đáng sợ đến ghê người?

Tôi sợ, sợ thật sự, cả đêm qua tôi không tài nào ngủ được, tôi bị ám ảnh bởi hình ảnh người đàn ông và thi thể người chết nằm vắt ngang, bó gọn trong chiếc chiếu nhỏ bé đơn sơ, 2 chân rủ xuống sau xe máy... cả 2 cô đơn lạc lõng giữa đường.

Tôi sợ thái độ vô cảm của các vị y bác sĩ tại bệnh viện, sự vô cảm của tất cả những người dân trên đường... tôi tự hỏi, họ không hề biết, không thấy có một người chết đang nằm sau xe, 2 chân buông sõng hay sao? Hay vì họ cũng quá nghèo nên không thể giúp được gì?

Tôi ghê tởm thái độ vô lương tâm của các vị y bác sĩ, thà họ cứ im lặng, thà họ cứ làm thinh giả câm giả điếc, đằng này họ lại đi bao biện cho bản thân mình và tìm mọi cách để chứng minh rằng họ vẫn là những "lương y như từ mẫu", thậm chí, họ còn mua chuộc cả gia đình, để gia đình nhận lãnh hoàn toàn mọi trách nhiệm. Họ không biết rằng, những lý luận của họ đến trẻ con như tôi cũng thấy rõ sự láo toét và khinh bỉ hay sao?

Tôi sợ khi tôi hình dung ra viễn cảnh tương lai, chỉ riêng Sơn La sẽ có đến 36.000 cái xác nữa cũng không đủ tiền để thuê xe ô tô. Họ quá nghèo đói, tiền ăn không có, lấy đâu thuê?? (Tính tới năm 2015, toàn tỉnh Sơn La có tới 36.000 người thiếu đói)

Và tôi tin chắc chắn rằng, đây không chỉ là những cái xác duy nhất và đầu tiên được bó trong chiếu đưa về nhà. Bao nhiêu người nghèo khó ở Sơn La? Bao nhiêu người nghèo này bị bệnh và phải giao phó số mạng của họ cho bệnh viện hoạt động bởi tiền thuế của nhân dân? Bao nhiêu gia đình người nghèo cơm không đủ ăn này làm gì đủ tiền để mướn xe chở xác người thân về nhà? Chắc chắc không phải chỉ có 2 cái xác gói chiếu thương đau mà còn vô số! Và nó cũng không chỉ có ở Sơn La, mà còn diễn ra ở khắp mọi miền của tổ quốc. 

Thế đó, đâu rồi những đài nghìn tỷ Hồ Chí Minh - tượng “Người” đã thấy bao nhiêu xác người bó chiếu dưới chân “Người”? bao nhiêu xác chết em thơ vì quá đói khổ? bao nhiêu xác chết tức tưởi của những ông bố bà mẹ vì không đủ tiền nuôi con ăn học thành người?...

Tất cả những xác chết đó, đang gào thét dưới tượng "Người" đó.

Tôi từng hỏi bạn tôi, bạn nghĩ gì về việc Tỉnh Sơn La sẵn sàng chi 1.400 tỷ để xây tượng ông Hồ, và chấp nhận ít nhất 36.000 người vẫn còn thiếu đói. Bạn chỉ nói vỏn vẹn "đó là sự thất bại". Thất bại về điều gì hả bạn?

Nhiều người còn trách móc và nói, Việt Nam là một đất nghèo nhưng vẫn hạnh phúc và đáng sống hơn các nước tư bản. Vậy:

Việt Nam đáng sống đến mức người chết không có đất để chôn, không có tiền để thuê xe ô tô đưa người thân từ bệnh viện về nhà ư?

Việt Nam đáng sống đến mức, những người em tôi phải chết trên đường đi học về vì quá đói sao?

Việt Nam đáng sống đến mức, những người em tôi phải treo cổ tự tử vì gia đình không có điều đủ tiền để mua cho em một bộ quần áo mới?.

Việt Nam đáng sống đến mức, bố mẹ cùng con cái tự tử vì gia đình quá nghèo?


Việt Nam đáng sống đến mức, người dân không dám ra đường, vì sợ xe điên tông phải và chết?

Việt Nam đáng sống đến mức con giết mẹ, mẹ giết con, vợ giết chồng, chồng giết vợ... dễ dàng như cắt tiết một con gà?

Việt Nam đáng sống đến mức, những người thanh niên sẵn sàng chém giết nhau vì 1 cái nhìn?

Việt Nam đáng sống đến mức, họ chém giết nhau vì tranh giành trả tiền hay gái gú?

Việt Nam đáng sống đến mức, họ sẵn sàng bóp chết hàng trăm ngàn em bé chưa kịp cất tiếng khóc chào đời? (Theo thống kê của hội kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, trung bình mỗi năm cả nước có ít nhất 3000.000 ca nạo hút thai ở tuổi vị thành niên từ 15-19 tuổi...)

Việt Nam đáng sống đến mức, người dân càng ngày càng thờ ơ trước vấn nạn những bé gái, bé trai bị xâm hại tình dục, bé nào may mắn thì sống, bé nào bất hạnh thì chết?

Việt Nam đáng sống đến mức, người dân nơm nớp sợ ra đường, sợ vào đồn công an và chết bất đắc kỳ tử, sợ ăn phải đồ Trung Quốc, sợ vào bệnh viện... 

...

Câu trả lời thuộc về các bạn, những người bạn của tôi. Tôi thấy buồn, buồn thay các bạn - những người luôn nói “sống là phải biết cho đi”, những người mở miệng ra lại nói, “lý tưởng của tôi là giúp đỡ những người nghèo, những người thấp cổ bé họng…” nhưng lại làm ngơ, im lặng trước những tội ác đang diễn ra ngoài xã hội. Mà các bạn thừa biết, im lặng là đồng lõa với tội ác.

Tệ hơn, khi người dân phản đối tượng đài ngàn tỷ Hồ Chí Minh, yêu cầu sử dụng tiền đó vào đúng mục đích như giúp trẻ em có đủ điều kiện tới trường, tạo công ăn việc làm cho người nghèo miền núi… thì các bạn lên tiếng chửi bới, nhục mạ họ.

Các bạn ạ, hãy thức thỉnh và đừng im lặng nữa. Đừng gián tiếp biến Việt Nam trở thành một đất nước chết vì khát khô tình người.

(*) Câu nói của chị Hạt Sương Khuya - từng nói trên facebook cá nhân.

17.09.2016


Gà què ăn quẩn cối xay!

Hưng Yên (Danlambao) - Mấy anh gà què tối ngày chỉ biết quanh quẩn bên cái cối xay lúa, thấy hạt thóc hạt gạo nào vương vãi ra là tranh nhau nhặt liền, ấy vậy mà có khi lại no hơn mấy anh chị gà khỏe mạnh bươn chải ngoài vườn ngoài ruộng, họa hằn lắm mới kiếm được con giun con dế, con sâu con bọ, chứ gạo thóc đâu mà vương vãi ra tuốt ngoài ấy. Tuy mang tiếng là "ăn quẩn cối xay" nhưng đám gà què này hầu hết lại không biết thân biết phận, không biết là mình hèn kém thua người, đôi lúc lại vươn cổ, vỗ cánh gáy te te, khoe là mình khôn, mình giỏi, mình anh hùng, mình biết... ăn quẩn cối xay!

Mấy hôm nay tin tức trên báo chí cũng như trên TV, đều nói đến Chùa Liên Trì bị đảng và nhà nước ta cưỡng chế. Một ngôi chùa đã được xây dựng từ 70 năm về trước, nay chỉ vì 1 cái tội: Ngôi Chùa này là ngôi Chùa duy nhất thuộc Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất còn sót lại, chứ các chùa khác, người ta đã là chùa "quốc doanh" thuộc giáo hội Phật giáo được nhà nước công nhận. Họ đã ủng hộ đảng và nhà nước, chịu nép mình dưới cánh đảng và nhà nước nên được đảng và nhà nước bảo bọc, che chở, nuôi cho ăn, cho ra nước ngoài...! Chứ không phải sao? Báo chí đã chẳng đăng tin có những ông Sư ngồi sau chùa ăn thịt bò xào hành, tu la de. Có ông Sư cho đàn bà ngủ trong chùa, gạ gái tơ ngủ chung với mình, khi bị phát giác Sư bỏ chùa trốn mất tiêu! Có không hay bảo chúng tôi đặt điều nói bậy? Các vị này là đám "quốc doanh" chứ gì nữa? Còn đảng và nhà nước bây giờ là những ai, thành phần nào? Câu trả lời là đám "hèn với giặc, ác với dân", là đám "gà què ăn quẩn cối xay"!

Chắc hẳn nhiều người đã từng biết đến câu nói của Hồ Chí Minh mà người cộng sản cho là "kinh nhật tụng" của họ: "Không tơ hào một cây kim, một sợi chỉ của người dân!" Lang thang trên Net, đọc được một câu ông Hồ dạy đám đảng viên như thế này:

Trích: Về chí công vô tư, Bác nói: “Đem lòng chí công vô tư mà đối với người, với việc”, “Khi làm bất cứ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước, khi hưởng thụ thì mình nên đi sau”, “Phải lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”. Người giải thích “...Cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp là ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”.

Hồ Chí Minh dạy như vậy, nhưng nó chỉ đúng với thời còn ông Hồ; và đúng không phải là vì ông Hồ đàng hoàng gì hay thời đó tốt, thời nay xấu; mà vì thời đó tất cả trên, dưới cùng đều "khố rách áo ôm". Toàn miền Bắc đều như một đám Cái bang, Bác, Đảng có muốn ăn cũng chẳng ăn vào đâu được! Chứ còn nay thì... hì hì... Bắc, Nam đã về chung một mối. "Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ..." Nhân dân làm chủ nhưng lại là thứ chủ tập thể - tức là một thứ cha chung không ai khóc - chẳng anh "nhân dân" nào có quyền hạn gì, thế là anh "lãnh đạo" và anh "quản lý" xơi hết. Từ đó mới nẩy sinh ra một thứ ăn cướp trắng trợn được ngụy trang bằng mấy tiếng "quy hoạch, thu hồi", còn nếu "thu hồi" không được thì "cưỡng chế".

Nhà cửa, đất đai, ruộng vườn của người ta hoặc mua, hoặc do ông cha để lại từ bao nhiêu đời, nay thấy chỗ ấy ngon ăn, cho thuê hoặc bán được giá, thế là nó quy hoạch hoặc thu hồi. Của người ta đáng giá 10 đồng nó chỉ trả cho 1 đồng làm phúc, có khi lại chẳng trả cho đồng nào! Thế là dân oan khắp nước, suốt từ Bắc chí Nam chỗ nào cũng có. Đông lắm, nhiều lắm, nhưng ở đây chúng tôi chỉ xin nhắc lại mấy nơi tiêu biểu mà nghĩ rằng người đọc không thể nào quên được, đó là các vụ:

- Gia đình ông Đoàn Văn Vươn ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng, ngày 5/1/2012.

- Huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên ngày 24/4/2012.

- Mới đây nhất, ngày 8/9/2016 là chùa Liên Trì ở khu phố 2, phường An Khánh, quận 2 sài Gòn. Tiếp đến là nhà Từ Đường 100 năm của dòng họ Nguyễn Hữu (Nguyễn Hữu Bài, Thượng thư Bô Lại dưới 2 thời Đồng Khánh và Duy Tân) mới bị cưỡng chế ngày 12/9/2016.

Đúng là đảng và nhà nước ăn cướp của dân! "Ăn cướp" nhưng nếu có ai chống lại hoặc bảo các vị là đồ ăn cướp thì các vị cho người đó là thằng phản động, nói xấu nhà nước, xâm phạm đến lợi ích của nhà nhà nước. Các vị bắt bỏ tù kẻ 5 năm, người 10 năm. Chưa thấy bao giờ lại có chuyện "tiếu lâm" như thế này: Người ra tù lại được đám đông chờ đón, rồi vỗ tay, rồi tặng hoa như những vị anh hùng dân tộc, còn kẻ bắt người ta bỏ tù thì lại bị sỉ vả, bị coi khinh như là những tên... vô lại!

Không ai bắt các vị phải làm anh hùng, không ai muốn các vị đem quân, đem vũ khí đi chiếm đất, chiếm đảo, chiếm biển của nước khác vì những hành động đó là ngoài khả năng của các vị. Ngay đến một nước nhỏ xíu ở bên cạnh nước ta, cả sức người lẫn sức của đều kém ta xa, vậy mà chỉ một việc cắm cột mốc biên giới thôi, mình cắm qua, họ đẩy lại mãi vẫn chưa xong. Nó bé như thế nhưng chiếm đất của nó, nó cũng dám đánh cho sặc máu, nói chi đến thằng Tầu khổng lố ở phía Bắc!

Các vị anh hùng lắm, chúng tôi biết rồi, nhưng không khuyến khích các vị đi cướp biển cướp đảo của người ta đâu, chỉ cầu mong các vị giữ được toàn vẹn lãnh thổ của tổ tiên để lại đã là phúc đức ông bà lắm rồi. Nhân nói đến "đất đai" tổ tiên để lại, cũng xin được hỏi nhỏ các vị một câu như thế này: Chúng tôi còn nhớ như in ở trong óc, ngày còn bé học địa lý Việt Nam thấy có một câu: "nước Việt Nam hình cong như chữ S, từ ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau, bờ biển dài hơn 2200 km...". Thế mà nay cả ải Nam Quan lẫn thác Bản Giốc đều đã thuộc về Trung quốc là làm sao? Rồi còn quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa sao trước kia là của Việt Nam bây giờ lại là của Trung quốc?

Bất kể nhà cửa, đất đai, nghĩa địa của người dân, đến cả Tu viện, Nhà thờ, Chùa chiền, Thánh thất... của tôn giáo, nếu muốn là các vị cứ dùng sức mạnh để quy hoạch, thu hồi hoặc cưỡng chế cho bằng được, trái lại đất đai của ông cha để lại thì lại mất dần vào tay ngoại bang. Thế có phải các vị chỉ là một thứ "khôn nhà dại chợ" hay nói một cách khác là loại "gà què ăn quẩn cối xay" không?

16.09.2016


Thêm một Formosa phía Nam Vũng Áng: Hải cảng Cửa Việt

Ts. Mai Thanh Truyết (Danlambao) - Hải cảng Cửa Việt từ năm 2014 đã được chuyển giao về cho Tập đoàn TC lập căn cứ “quân sự” tại Cửa Việt thông qua một “dự án kinh tế” của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam - một công ty sản xuất thức ăn gia súc, thuỷ sản và chăn nuôi hàng đầu Việt Nam, vốn thuộc tập đoàn C.P. Group của Thái Lan, nhưng đã bị Trung Cộng thâu tóm sau đó...

*

Cảng Cửa Việt là một khu cảng sâu ở tỉnh Quảng Trị, một tỉnh phía Bắc Tp. Huế, nằm ở thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh. Từ năm 1965 đến 1972, đoạn sông từ Cửa Việt đến hải cảng quân sự Đông Hà đã trở thành một vùng hải lưu huyết mạch của Quân đội Hoa Kỳ trong cuộc chiến trước 1975.

Hình chụp năm 1966

41 năm sau khi chiếm được toàn cõi Việt Nam, CSVN lần lần “chuyển giao” các hải cảng dọc theo Vịnh Bắc Việt, từ cảng Hải Phòng dành cho kho bãi và bến của tàu bè TC cho đến cảng sâu Cửa Lò, Nghệ An, cảng sâu Sơn Dương, Vũng Áng, và từ đầu năm 2014, cảng Cửa Việt trở thành một vị trí chiến lược của TC. Tất cả các cảng trên phối hợp thành một tam giác biển qua ba trục: Sơn Dương - Cửa Việt - Du Nam, thành phố cực Nam của Đảo Hải Nam, nơi trú ngụ của “hàng không mẫu hạm” Liêu Ninh của TC. Tam giác nầy, đứng trên bình diện quân sự, nhằm kiểm soát toàn thể Vịnh Bắc Việt. Chúng ta còn nhớ trong cuộc bạo loạn tại Bình Dương năm 2014, tàu TC đã ngang nhiên xâm nhập Vịnh Bắc Việt, hải phận của Việt Nam để đến Sơn Dương chở hơn 3000 công nhân của Formosa Vũng Áng về Tàu.


Có thể nói, hiện tại, một vùng chiến lược đã được xây dựng ngay tại Cửa Việt... gồm kho bãi, đèn hải đăng (lighthouse) báo hiệu cho tàu bè, và một khu “quân sự” hoàn toàn bị cô lập, người dân Quảng Trị không được bén mảng đến, ngay cả cán bộ CSVN cũng bị cấm.

Cửa Việt nằm ở ngay cửa biển của hành lang kinh tế Đông - Tây, và ở cuối Quốc lộ 9, cách cửa khẩu Lao Bảo 90 km về phía Đông, chạy xuyên qua Lào, đến tận hải cảng phía tây Thái Lan, tiếp giáp với Ấn Độ Dương. Hải cảng Cửa Việt được đánh giá là một công trình quan trọng để thúc đẩy kinh tế khu vực Vân Nam-Lào-Thái Lan và Việt Nam phát triển. Nhưng người thủ lợi nhiều nhứt chính là Vân Nam của Trung Cộng


Tỉnh Vân Nam cần 1 triệu thùng dầu thô hàng ngày cho nhu cầu phát triển công kỹ nghệ hóa chất. Trước kia, chi phí chuyển vận lượng dầu thô nầy qua ngả duyên hải Trung Hoa quá tốn kém. Kể từ năm 2008, sau khi hoàn tất việc nạo vét lòng sông Mekong, vào tháng 12, hai chiếc tàu dầu có trọng tải 5.000 tấn đầu tiên đã đến biên giới Vân Nam qua ngả Ấn Độ Dương từ hải cảng phía tây của Thái Lan. Thêm nữa vào năm 2010, Việt Nam đã xuất cảng trên 8 triệu tấn dầu từ Dung Quất qua quốc lộ 9 kể trên.

Hải cảng Cửa Việt chỉ cách vùng Đông Bắc Thái Lan 300 km đi theo đường xuyên Á Đông Tây, khoảng cách này ngắn hơn nhiều nếu so với trên 1000 km nếu đi ngược về hướng Vịnh Thái Lan hoặc biển Mianma. Đây có thể được xem là một lợi thế giúp cho cảng Cửa Việt có cơ hội phát triển thành cảng sâu lớn, giúp cho lưu thông hàng hóa đường biển thuận lợi hơn giữa Việt Nam, Lào và Thái Lan. 

Chính vì những thuận lợi trên mà TC càng đầy mạnh tiến trình xây dựng cảng kinh tế-chính tri-quân sự và chiến lược nầy.

Hải cảng Cửa Việt từ năm 2014 đã được chuyển giao về cho Tập đoàn TC lập căn cứ “quân sự” tại Cửa Việt thông qua một “dự án kinh tế” của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam - một công ty sản xuất thức ăn gia súc, thuỷ sản và chăn nuôi hàng đầu Việt Nam, vốn thuộc tập đoàn C.P. Group của Thái Lan, nhưng đã bị Trung Cộng thâu tóm sau đó.

Cũng cần nên biết, vào năm 2009, Cửa Việt được trao cho tập đoàn công nghiệp Tàu thủy Việt Nam Vinashin, và tập đoàn này đã có dự án 3000 tỷ đồng để xây dựng Cửa Việt thành một cảng biển sâu trong khu vực miền Trung. Trong đó, 600 tỷ đồng đầu tư đến năm 2010 cho cầu cảng Cửa Việt để đón tàu 10 nghìn tấn, 1.600 tỷ đồng để xây dựng nhà máy đóng tàu 70 nghìn DWT (công suất 10 tàu/năm), số tiền còn lại sẽ đầu tư vào khu du lịch Cửa Việt. Nhưng sau 6 năm xây dựng, các dự án trên hoàn toàn đi vào... lịch sử, và tất cả vốn đầu tư đã âm thầm vào các túi áo cũa những “nhóm lợi ích” thời bấy giờ.

Trong một bài bình luận mới đây trên website của Đài Phát thanh Quốc tế Trung Cộng, một học giả Trung Hoa đã nói huỵch toẹt âm mưu của Bắc Kinh một khi chiến tranh Trung-Việt nổ ra là sẽ tìm cách chia cắt Việt Nam từ phía biển.

Xin trích một đoạn trong bài “Học giả Trung Hoa bày mưu chia cắt Việt Nam từ phía biển” trên trang Giaoduc.net ngày 19/4/2016: 

“...Một khi lực lượng hải quân ngoại bang khai triển từ biển thì về mặt địa hình, Việt Nam như ‘dưa hấu gặp dao sắc’, có thể bị tấn công đổ bộ từ bất kỳ địa điểm nào dọc theo đường bờ biển đất liền... Nói cách khác, nếu Việt Nam để mất quyền kiểm soát Biển Đông thì bố trí quân sự của Việt Nam ở miền Bắc mất hẳn chỗ dựa, đầu đuôi khó ứng cứu cho nhau…”

Mặc dù Trung Cộng có thể tấn công đổ bộ từ bất kỳ địa điểm nào dọc theo bờ biển Việt Nam, nhưng tất nhiên họ sẽ nhắm đến những vị trí xung yếu nhất về an ninh quốc phòng như các cảng sâu kể trên.

Đó là những vị trí đáp ứng được ít nhất một trong những tiêu chuẩn sau:

- Thuận tiện cho việc đổ bộ - vùng biển nơi đổ bộ phải đủ sâu cho tàu trọng tải lớn cập bờ, cho phép cả binh lính lẫn các loại vũ khí hạng nặng đổ bộ; 

- Nếu đổ bộ thành công, Trung Cộng sẽ khống chế được một khu vực rộng lớn có tầm quan trọng chiến lược;

- Chỉ cần một lực lượng quân sự vừa phải là đủ sức chia cắt Việt Nam tại đó;

- Tại vị trí đối diện bên kia biên giới Lào-Việt hoặc Campuchia-Việt Nam, Trung Cộng cũng thiết lập được căn cứ phối hợp, nhằm khi chiến tranh nổ ra, nó sẽ hợp đồng tác chiến với lực lượng đổ bộ từ biển vào (hoặc với cả lực lượng nằm vùng tại vị trí đổ bộ) để hình thành nên một gọng kìm nguy hiểm.

Hiện nay, Trung Cộng đã chiếm hầu hết các vị trí chiến lược nằm dọc theo bờ biển Việt Nam như Cửa Lò, Nghệ An, Sơn Dương, Vũng Áng (Hà Tĩnh), Cửa Việt, Quãng Trị, Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế), Hải Vân (Thừa Thiên - Huế), Silver Shores (Đà Nẵng), Vĩnh Tân (Bình Thuận), Duyên Hải (Trà Vinh), hay Châu Thành (Hậu Giang), v.v... (trích trên internet)

Vì đã kiểm soát hoàn toàn khu vực biển, việc mang tàu chở phế thải độc hại từ những nhà máy hóa chất bên Tàu sang... xả thải vào bên trong khu Cửa Việt, để rồi từ đó theo đường ống, nước thải an nhiên và thênh thang đi vào lòng biển... đầu độc nguồn protein cá của người dân sống trong vùng, giống như tình trạng ở Vũng Áng hiện tại.

Việc đầu độc thâm sâu nầy của Trung Cộng cần được cáo giác trước dư luận thế giới.

San hô ở đảo Lý Sơn đã có chỉ dấu nhiễm hydroxid sắt xả thải từ các ống nước thải ở Vũng Áng mà một số tiến sĩ, khoa học gia của CS Hà Nội kết luận là tảo đỏ (?) khi câu chuyện Vũng Áng bắt đầu ngõ hầu xoa dịu áp lực của ngư dân đã được chứng minh qua việc khám phá qua việc phân tích mẩu san hô ở nơi đây tại Hoa Kỳ vào cuối tháng 7 vừa qua.

Thêm một Formosa Cửa Việt cần phải được đề cao cảnh giác.

Một lần nữa, Nước dơ cần phải rửa bằng Máu, theo lời của tiền nhân, Vua Duy Tân. 

Virginia, 9/11/2016

Hội Bảo vệ Môi trường Việt Nam


Lại đòi ‘hà hơi, tiếp sức’ cho hai cái xác chưa chôn

Nhà máy Đạm Ninh Bình. Từ đầu năm đến nay chỉ hoạt động có 76 ngày rồi ngưng chạy máy. (Hình: TTXVN)
VIỆT NAM – Tập Đoàn Hóa Chất Việt Nam (VINACHEM) – một trong các tập đoàn nhà nước vừa gửi chính phủ Việt Nam 14 kiến nghị về việc hỗ trợ nhằm duy trì hai nhà máy là: Đạm Ninh Bình và Đạm Hà Bắc.
Cả hai nhà máy: Đạm Ninh Bình và Đạm Hà Bắc vốn đã là những xác chưa chôn.
Năm 2000, chính quyền Việt Nam chuẩn y đề nghị của VINACHEM, thực hiện Dự Án Nhà Máy Đạm Ninh Bình. Theo quảng cáo thì dự án này nhằm phát triển phân bón, bảo đảm an ninh lương thực cho Việt Nam.
Năm 2008, VINACHEM hỏi vay của EXIMBANK Trung Quốc $250 triệu (lúc đó tương đương 5,000 tỷ đồng) trong 15 năm với lãi suất là 4%/năm để thực hiện dự án Nhà Máy Đạm Ninh Bình. Đổi lại, VINACHEM phải sử dụng tập đoàn China Huanqiu Contracting & Enginneer của Trung Quốc làm nhà thầu.
Theo thiết kế thì Nhà Máy Đạm Ninh Bình sử dụng công nghệ của Châu Âu nhưng vì nhà thầu là Trung Quốc nên cuối cùng, “đa phần thiết bị” của nhà máy là do Trung Quốc sản xuất.
Tháng trước, trò chuyện với tờ Tiền Phong, ông Nguyễn Gia Tưởng, tổng giám đốc VINACHEM thú nhận, do đa số thiết bị là của Trung Quốc, dây chuyền sản xuất phân bón của Nhà Máy Đạm Ninh Bình “thường xuyên xảy ra sự cố.” Bởi việc mua thiết bị dự phòng phụ thuộc vào nhà thầu Trung Quốc nên VINACHEM đang tính đến việc đóng cửa Nhà Máy Đạm Ninh Bình.
Vì càng hoạt động càng lỗ, để duy trì hoạt động của Nhà Máy Đạm Ninh Bình, VINACHEM đã vay thêm của các tổ chức tín dụng và ngân hàng tại Việt Nam $326 triệu và 4,300 tỷ đồng. Theo tờ Tiền Phong thì sau khi khánh thành bốn năm, Nhà Máy Đạm Ninh Bình lỗ 2,000 tỷ đồng. Hiện nay, mỗi năm, Nhà Máy Đạm Ninh Bình phải trả… 1,000 tỷ đồng tiền lãi. Mức lãi trung bình là 2.6 tỷ đồng một… ngày!
Nhà Máy Đạm Hà Bắc, một thành viên khác của VINACHEM cũng chẳng khá hơn. Sau năm năm được “cải tạo – mở rộng,” Nhà Máy Đạm Hà Bắc năm nào cũng lỗ. Riêng năm ngoái lỗ 655 tỷ và nay, chỉ tính riêng số nợ đã vay của Ngân Hàng Phát Triển Việt Nam (VDB) thì khoản này đã là 3,957 tỷ đồng.
Trong kiến nghị mới gửi chính phủ Việt Nam, VINACHEM đề nghị: Đối với Nhà Máy Đạm Ninh Bình thì hoặc là chuyển khối tiền 2,708 tỷ đồng đang nợ Ngân Hàng Phát Triển Việt Nam (VDB) thành vốn mà nhà nước đầu tư (nhà nước đứng ra gánh thay – xóa khoản nợ này) hoặc là khoanh nợ trong năm năm (không trả cả vốn lẫn lãi từ 2016 đến 2020). VINACHEM cho biết cũng đã đề nghị như vậy với EXIMBANK của Trung Quốc (!?). Còn đối với Nhà Máy Đạm Hà Bắc thì VINACHEM chỉ xin khoanh khoản nợ 3,957 tỷ trong… năm năm!
Bên cạnh đó, VINACHEM đề nghị chính phủ Việt Nam chỉ đạo VDB giảm mức lãi đối với các khoản mà VINACHEM đang nợ xuống còn 8.5%/năm. Đồng thời đề nghị chính phủ Việt Nam chỉ đạo người đại diện vốn nhà nước tại các ngân hàng: BIDV, Vietcombank, Vietinbank tiếp tục cho Đạm Ninh Bình và Đạm Hà Bắc vay vốn để tổ chức sản xuất, kinh doanh.
VINACHEM không quên khuyến cáo là dẫu các đề nghị “hà hơi, tiếp sức” có được chấp nhận thì do các khó khăn khách quan, hiệu quả hoạt động của hai nhà máy: Đạm Ninh Bình và Đạm Hà Bắc trong năm tới vẫn khó… khá!
Cho dù thủ tướng Việt Nam chưa trả lời vì còn chờ các bộ như: Công Thương, Kế hoạch – Đầu Tư và Ngân Hàng Nhà Nước “tham mưu” nhưng cầm chắc là thủ tướng Việt Nam không lắc đầu bởi Việt Nam vẫn là quốc gia đang xây dựng “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa,” thành ra các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước vẫn là “nòng cốt.”
Theo một báo cáo mà VINACHEM gửi cho các bộ hữu trách trong chính phủ Việt Nam cách nay vài tháng thì dù hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp thành viên đều thê thảm như Nhà Máy Đạm Ninh Bình và Nhà Máy Đạm Hà Bắc song mức lương trung bình của các viên chức lãnh đạo VINACHEM đã tăng từ 48.5 triệu đồng/tháng hồi năm 2015 lên thành 54 triệu đồng/tháng trong năm nay. (G.Đ)

Long An: Dân buôn lậu đánh chết cán bộ, cướp lại hàng

Vận chuyển thuốc lá lậu trên sông. (Hình: Công An Sài Gòn)
LONG AN (NV) – Bị Quản Lý Thị Trường huyện Đức Hòa chặn bắt thuốc lá lậu trên sông Vàm Cỏ, nhóm buôn lậu đã huy động ghe máy đuổi theo đánh chết một cán bộ để cướp lại hàng.
Nói với phóng viên báo Công An Sài Gòn, sáng 16 tháng 9, ông Nguyễn Xuân Hồng, phó giám đốc Sở Công Thương Long An xác nhận, ông Nguyễn Kim Danh (46 tuổi), cán bộ Đội Quản Lý Thị Trường số 1 đóng tại huyện Đức Hòa, đã bị các nhóm người buôn lậu thuốc lá đánh chết khi đang đi làm nhiệm vụ.
Sự việc diễn ra lúc 0 giờ cùng ngày khi ông Danh và một đồng nghiệp đi bắt ghe chở thuốc lá lậu trên sông Vàm Cỏ Đông, huyện Bến Lức. Sau khi bắt và tịch thu khoảng 9,000 gói thuốc lá, trên đường đưa tang vật về trụ sở, bất ngờ nhóm buôn lậu đã huy động gần 20 người chạy trên 10 vỏ lãi (một loại ghe tốc độc cao) đuổi theo.
Khi tiếp cận được ghe chở tang vật, đám người này dùng gậy đập vào đầu ông Danh khiến ông này văng xuống sông. Dù được đồng đội đi cùng nhảy theo vớt được lên bờ sơ cứu nhưng ông Danh đã chết. Sau khi tấn công, nhóm buôn lậu đã cướp lại số thuốc lá lậu và tẩu thoát.
Hiện công an tỉnh Long An đã tổ chức khám nghiệm hiện trường, giám định pháp y và truy bắt nhóm người buôn lậu trên. (Tr.N)

Giành đường, công an bị công an đánh vào bệnh viện

Cây xăng Cái Lân - nơi xảy ra sự việc. (Hình: Tiền Phong)
QUẢNG NINH (NV) – Không vượt được xe hơi của ông thiếu tá công an, hai cảnh sát trẻ đã đánh ông này tại cây xăng. Song, lãnh đạo công an thành phố Hạ Long cho rằng “đây là vấn đề nội bộ và chưa xảy ra hậu quả nghiêm trọng.”
Theo tin báo Tiền Phong, tối 15 tháng 9, công an tỉnh Quảng Ninh xác nhận, Thiếu Tá Nguyễn Hùng Cường, đội trưởng tham mưu Phòng Cảnh Sát Điều Tra Tội Phạm về Kinh Tế và Chức Vụ “do mâu thuẫn khi đi đường đã bị hai đồng nghiệp Phạm Tuấn Linh và Phạm Đức Dung, công an thành phố Hạ Long, đánh bị thương. Vụ việc xảy ra chỉ là hiểu nhầm, hai bên đã đồng ý giải quyết nội bộ.”
Tin cho biết, trưa 4 tháng 9, ông Cường mặc thường phục lái xe hơi trên quốc lộ 18 thì thấy có hai thanh niên đi xe máy phân khối lớn phía sau xin vượt. Do đoạn đường đông người qua lại và không đủ khoảng cách an toàn nên ông Cường ra tín hiệu không cho vượt. Thấy vậy, hai thanh niên liền rú ga vượt lên, ép xe ông Cường vào lề đường.
Bị ép xe và nhận thấy không an toàn, ông Cường lái xe chạy vào cây xăng Cái Lân để được trợ giúp. Tuy nhiên, hai thanh niên này không buông tha, lao vào đánh ông Cường trước sự can ngăn của nhân viên cây xăng và người dân đi đường. Khi thấy ông Cường gục xuống, hai thanh niên lên xe bỏ đi. Nạn nhân được người dân đưa đến bệnh viện đa khoa Bãi Cháy cấp cứu trong tình trạng đa chấn thương.
Từ dữ liệu camera an ninh tại cây xăng, công an Quảng Ninh đã xác định được người đánh ông Cường là hai đồng nghiệp trẻ Linh và Dung. (Tr.N)

Đại gia Thản Mường Thanh cầu cứu bí thư tỉnh uỷ tỉnh Khánh Hoà

CTV Danlambao - Ngày 9/9/2016, Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa vừa có quyết định thu hồi giấy phép xây dựng và đình chỉ thi công đối với dự án Tổ hợp khách sạn căn hộ cao cấp Mường Thanh Khánh Hòa vì xây dựng công trình vượt quy định. Tuy nhiên cho đến nay DNTN Xây dựng số 1 Điện Biên (chủ đầu tư công trình Mường Thanh) đã không giao nộp lại giấy phép và có công văn đề nghị bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa “hướng dẫn và chỉ đạo UBND tỉnh, Sở Xây dựng thu hồi, hủy bỏ quyết định thu hồi GPXD”.

Tỉnh Khánh Hòa dưới thời cựu Chủ tịch Nguyễn Chiến Thắng đã rất ưu ái cho đại gia Lê Thanh Thản khi phân lô cho DNTN Xây dựng số 1 Điện Biên tới 4 vị trí đắc địa trên trục đường Trần Phú chạy dài ven biển Nha Trang.

Cụm khách sạn Mường Thanh thường xuyên vi phạm lỗi xây dựng, tự ý thay đổi thiết kế, lấn chiếm không gian nhưng chưa bao giờ bị xử lý.

Tháng 6/2015, qua kiểm tra khi dự án Mường Thanh xây đến tầng thứ 6, Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa phát hiện các vi phạm: vượt diện tích, tổng mặt bằng và hệ thống trụ thi công thực tế đều đã thay đổi so với hồ sơ, bản vẽ thiết kế kèm theo GPXD đã được cấp. Tuy nhiên nhà đầu tư không bị UBND tỉnh Khánh Hòa xử lý, thu hồi GPXD. Ngược lại, UBND tỉnh quyết định cho doanh nghiệp vi phạm thuê bổ sung luôn 1.031m2 đất mà Mường Thanh Khánh Hòa lấn chiếm, xây vượt diện tích ngoài dự án. (1)

Trong đồ án điều chỉnh quy hoạch chung cho TP Nha Trang đến năm 2025 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, chiều cao tối đa được phép xây dựng của các công trình ven biển là 40 tầng. Tuy nhiên tính từ cuối năm 2015 đến nay, dự án Mường Thanh đã xây tới tầng thứ 43 và rao báo tới tầng thứ 47. 

Sau khi Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa ra quyết định số 99/QĐ-SXD và quyết định số 453/QĐ-TTra thu hồi giấy phép xây dựng và đình chỉ thi công đối với DNTN Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên thuộc dự án Tổ hợp khách sạn – căn hộ cao cấp Mường Thanh Khánh Hòa, đại gia Lê Thanh Thản (chủ doanh nghiệp) đã có công văn cầu cứu bí thư tỉnh ủy tỉnh Khánh Hòa.

Quyết định số 99/QĐ-SXD
Quyết định số 453/QĐ-TTra
Trong công văn gửi đi ông Thản đề nghị bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa “hướng dẫn và chỉ đạo UBND tỉnh, Sở Xây dựng thu hồi, hủy bỏ quyết định thu hồi GPXD” công trình được nêu của doanh nghiệp này. 

Công văn cũng nêu rõ theo văn bản ngày 12-9-2014 do cựu chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa ông Nguyễn Chiến Thắng ký ký thỏa thuận cho Mường Thanh Khánh Hòa xây tới 47 tầng và hai tầng hầm, trên tổng diện tích đất 5.864m2 (trong khi đó theo quy hoạch TP Nha Trang của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt từ tháng 9-2012 chỉ cho xây tối đa 40 tầng).

Đồng thời, ngày 17-6-2015 phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh (nay là chủ tịch UBND tỉnh) đã ký văn bản thỏa thuận điều chỉnh cho chủ khách sạn, căn hộ cao cấp Mường Thanh Khánh Hòa xây lên đến 48 tầng (gồm 1 tầng kỹ thuật áp mái) và hai tầng hầm, với tổng diện tích đất được tăng lên tới 6.895m2. Trên cơ sở đó, Sở Xây dựng cấp GPXD và phụ lục điều chỉnh GPXD cho Mường Thanh Khánh Hòa với diện tích đất, số tầng theo các công văn thỏa thuận nêu trên. Theo chủ dự án, các công văn thỏa thuận đó của UBND tỉnh Khánh Hòa “đang có hiệu lực, chưa bị đình chỉ hay hủy bỏ”.

Có thể thấy ở đây một lần nữa, đại gia Lê Thanh Thản đang vận dụng tính đảng, sức mạnh của đảng để cứu nguy cho các sai phạm của dự án Mường Thanh tại tỉnh Khánh Hòa. Đây không phải là lần đầu tiên các công trình xây dựng của Mường Thanh bị xử phạt vì vi phạm Luật xây dựng. 

Ảnh công nhân Mường Thanh vẫn đang thi công khi có quyết định đình chỉ xây dựng
Hãy chờ xem đảng ủy tỉnh Khánh Hòa sẽ ra tay cứu Mường Thanh ra sao.

15.9.2016