(Kienthuc.net.vn) - Cựu quan chức quân đội Mỹ cho rằng, Trung Quốc đang tự “vây hãm chính mình” bằng các hành vi hung hăng, buộc các nước trong khu vực đồng tâm hiệp lực chống lại họ.
Theo đó, trong cuộc phỏng vấn với tờ báo Asahi Shimbun của Nhật Bản, nguyên Tư lệnh lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương - Đô đốc Dennis Blair đã phát biểu nhận xét trên.
“Thực tế, Trung Quốc đang tự “trói chân” họ bằng các hành vi hung hăng, ngang ngược và tự đẩy mình vào thế đối đầu với các quốc gia khác trong khu vực”, vị cựu đô đốc Hải quân Mỹ cho hay.
Nguyên Tư lệnh lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương Dennis Blair.
Ông Dennis tiếp lời mình, “các quốc gia trong khu vực không hề mong muốn một Trung Quốc hung hăng và mạnh mẽ đang theo đuổi lợi ích của riêng mình theo lối hành xử ngang ngược”.
Đề cập tới cuộc tranh chấp ở biển Hoa Đông và Biển Đông, ông Blair đã chỉ ra rằng, “có một giới hạn nhất định đối với những điều mà Trung Quốc đang và sẽ làm ở hai khu vực trên”. Bởi vì có những thiệt hại khủng khiếp mà cuộc xung đột ở ngoài thực tế có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sự phát triển kinh tế của Trung Quốc.
Đồng thời, ông cũng cho hay: “Bạn không thể chỉ ngồi đó và phản ứng lại những điều Trung Quốc đang làm”. Ông kêu gọi Nhật Bản, Philippines, Việt Nam “giành thế chủ động với tâm thế mạnh mẽ” để ứng phó với tình hình leo thang mà Trung Quốc gây ra. “Các bạn cần phải vạch ra các phương án để đối phó với những hành động ngang ngược đó (của Trung Quốc). Tất nhiên, các bạn cần phải suy nghĩ một cách cẩn thận”.
Ông còn kêu gọi các nước có liên quan trong tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc nên đoàn kết lại với nhau. “Trung Quốc nghĩ rằng, quyền lực là điều quan trọng. Và giờ, họ tin rằng, họ có nhiều quyền lực hơn. Khi phát sinh tranh chấp, họ tin mình sẽ nhận được nhiều lợi thế. Vì vậy, Mỹ, Việt Nam, Philippines và các quốc gia khác phải tuyên bố một điều với họ rằng: Nếu cùng nhau hợp sức lại, chúng tôi sẽ còn mạnh hơn họ (tức Trung Quốc). Đấy không phải là những thứ (tức lãnh thổ) mà các bạn giao cho họ được chỉ bởi lẽ mỗi năm GDP của Trung Quốc tăng 10%”.
Ông quả quyết một điều: “Các bạn không nên nhượng bộ chỉ đơn giản nước đó đang mạnh hơn mình. Các bạn cần tìm ra cách thức để đối phó với những điều trên”.
Đối với khoản viện trợ quân sự mà Tổng thống Mỹ Obama cam kết trao cho Nhật Bản trong trường hợp xảy ra bất ngờ đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, ông Blair nói: “Mỹ sẽ cung cấp khoản viện trợ mà cho phép Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF) giành lại quyền kiểm soát đảo một cách hiệu quả nhất và thương vong ít nhất”.
08:06 27/06/2014
Thanh Nga (theo ASJ)
Phóng viên đang có mặt trên tàu Cảnh sát biển (CSB) 8003 tại vùng biển Hoàng Sa cho biết sáng 26/6, nhóm tàu thực thi pháp luật Việt Nam ở phía Nam Tây Nam giàn khoan vẫn tiếp tục hoạt động thực thi pháp luật cách giàn khoan khoảng 11 hải lý.
Lúc 8h30, tàu CSB 8003 phát hiện một máy bay quân sự của Trung Quốc bay trên đầu đội hình các tàu Việt Nam ở độ cao trên 1.000 m. Liên tục trong thời gian gần đây, các máy bay quân sự của Trung Quốc luôn bay ở độ cao trên 1.000 m với ý đồ không để các tàu chấp pháp Việt Nam phát hiện ra hoạt động của họ.
Sau khi đâm tàu kiểm ngư 951 ở mạn phải, tàu Hữu Liên 9 tiếp tục ghìm chặt, không cho tàu 951 quay trở được để cho tàu kéo 285 lấy đà lao vào, phía xa tàu hải tuần 11 dùng vòi rồng phun nước uy hiếp. |
Phân tích tình hình trên thực địa, thuyền trưởng tàu CSB 8003 - đại úy Nguyễn Văn Hưng - cho biết: “Các tàu Trung Quốc chia thành 2 tốp ở hai bên, để trống ở giữa. Mỗi bên có từ 7 - 8 tàu, dàn đội hình theo kiểu vòng cung với ý đồ “dụ” cho tàu của ta tiến gần vào là họ ập vào từ hai bên, vây ép, kẹp chặt trong thế gọng kìm”.
Với sự nhanh nhạy và kinh nghiệm, sau nhiều ngày đối diện với đủ trò của các tàu Trung Quốc, các tàu thực thi pháp luật Việt Nam đã phán đoán, phân tích đúng ý đồ này của Trung Quốc.
Thế nên, sau một thời gian dài thấy các tàu thực thi pháp luật Việt Nam không tiến không lui, Trung Quốc đã không đủ kiên nhẫn “dụ” tàu chúng ta tiến vào gần, liền triển khai 3 tàu Hải cảnh chạy với tốc độ cao lao về phía tàu CSB 8003 - là tàu lớn nhất trong tốp tàu thực thi pháp luật Việt Nam ở phía Nam Tây Nam giàn khoan.
Khi 3 tàu này của Trung Quốc cách tàu CSB 8003 khoảng 2 hải lý (tương đương 3,6km) thì tàu CSB 8003 nhận được lệnh cơ động ra xa, chủ động tránh bị đâm va.
Tàu Trung Quốc uy hiếp, lao vào tàu Việt Nam. |
Điều đặc biệt nữa trong hai ngày gần đây là các tàu Trung Quốc không chỉ ngăn cản, uy hiếp, quấy phá vào ban ngày mà kể cả ban đêm.
Lúc 20g20 đêm 25/6, dù lúc này các tàu của ta đã cách giàn khoan 14 hải lý nhưng Trung Quốc vẫn tổ chức đội hình tiếp cận ngăn cản các tàu chấp pháp Việt Nam.
Khi cách tàu CSB 8003 khoảng 1.200m thì hai tàu Hải cảnh Trung Quốc số hiệu 3210 và 33002 bất ngờ dùng đèn pha công suất lớn cùng lúc chiếu thẳng vào tàu CSB 8003.
Lợi dụng đêm tối, hai tàu này di chuyển với tốc độ rất thấp, chỉ 4 hải lý/giờ (tương đương 7,3 km/h) với mục đích “đánh lừa” các tàu của chúng ta để bất ngờ tăng tốc áp sát khiến tàu chúng ta không kịp cơ động. Tuy nhiên, các tàu chấp pháp Việt Nam vẫn nhận ra sự di chuyển này.
Sau khoảng 15 phút tấn công bằng đèn công suất cực lớn để uy hiếp nhưng thấy tàu CSB 8003 vẫn bình chân như vại, hai tàu này của Trung Quốc tiếp tục quay sang chiếu thẳng đèn vào đội hình các tàu Kiểm ngư xung quanh.
Khi thấy các tàu Trung Quốc bắt đầu có động thái sẵn sàng đâm va khi vừa tiến lại gần vừa chiếu đèn pha, các tàu của Việt Nam đã nhận lệnh cơ động ra xa để đảm bảo an toàn cho tàu.
Trong khi đó, báo cáo của Cục kiểm ngư chiều 26-6 cho biết trong ngày, vị trí giàn khoan Hải Dương 981 không thay đổi, nhưng lực lượng kiểm ngư đã quan sát thấy có 3 máy bay quân sự bay lượn nhiều vòng gần khu vực giàn khoan.
Cụ thể, vào các thời điểm 6h37, 7h00 và 7h40 xuất hiện một máy bay trinh sát cánh bằng bay 3 lượt từ hướng Bắc Đông Bắc và bay ngay trên khu vực có các tàu kiểm ngư, cảnh sát biển Việt Nam.
Máy bay này bay lượn 1-3 vòng, ở độ cao 500 - 1.500 m rồi rời khỏi khu vực theo hướng Nam Tây Nam. Đặc biệt, từ 8h45-8h55 có 2 máy bay chiến đấu bay 2 vòng trên khu vực Nam Tây Nam, cách giàn khoan 12 hải lý ở độ cao 1.000-1.200 m.
Theo Cục kiểm ngư, ngày 25/6, Trung Quốc vẫn duy trì số lượng lớn các tàu để bảo vệ giàn khoan, với khoảng 117-121 tàu các loại, trong đó có 41-43 tàu hải cảnh, 13-14 tàu vận tải, 17-18 tàu kéo, 6 tàu quân sự và 40 tàu cá vỏ sắt.
Ngày 26/6, các tàu kiểm ngư Việt Nam vẫn cơ động vào cách giàn khoan 9,5-10,5 hải lý để tuyền truyền, thực thi pháp luật, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và các tàu ra khỏi vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Khi các tàu của ta vào gần giàn khoan thì số lượng lớn các tàu hải cảnh, hải giám, hải tuần, tàu vận tải, tàu kéo của Trung Quốc đã dàn hàng ngang, đồng loạt tăng tốc độ áp sát các tàu ta (khoảng cách chỉ 150-200m).
Các tàu cá của ngư dân Việt Nam vẫn hoạt động đánh bắt thủy sản ở cách giàn khoan 40-43 hải lý. 40 tàu cá Trung Quốc với sự hỗ trợ của 2 tàu hải cảnh 46102, 46106 vẫn tiếp tục dàn hàng ngang, ngăn cản các tàu cá của ta tiến vào gần khu vực giàn khoan.
Theo My Lăng - Đức Bình/Tuổi tre