Wednesday, February 19, 2014
Sẽ chỉ còn một nửa số ngân hàng thương mại?
Thứ năm, 20/02/2014, 07:31
Hiện ở Việt Nam có trên 30 ngân hàng thương mại nội địa, người đứng đầu ngành ngân hàng vừa xác nhận con số này sẽ chỉ còn một nửa theo quy hoạch.
Hiện ở Việt Nam có trên 30 ngân hàng thương mại nội địa, người đứng đầu ngành ngân hàng vừa xác nhận con số này sẽ chỉ còn một nửa theo quy hoạch.
Tiên Phong, một trong những ngân hàng thương mại đã được thay đổi cổ đông lớn và tái cơ cấu toàn diện trong hai năm qua.
|
Trả lời câu hỏi của PV qua điện thoại ngày 19/2 về việc có hay không kế hoạch giảm số lượng ngân hàng thương mại nội địa (không bao gồm khối ngân hàng ngoại, ngân hàng phát triển, ngân hàng chính sách) xuống còn 14-17 ngân hàng trong vòng ba năm tới, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết: “Hiện ở Việt Nam có trên 30 ngân hàng thương mại nội địa, theo chúng tôi tính toán con số đó (14-17 ngân hàng) là phù hợp với quy mô nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên việc quy hoạch này là đích hướng đến chứ không thể làm ngay trong một sớm một chiều”.
Vậy liệu có vụ sáp nhập ngân hàng nào mới trong năm 2014? Có hay không việc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín sáp nhập với Ngân hàng TMCP Phương Nam hay một số ngân hàng cổ phần cỡ trung sẽ hợp nhất như một số tin đồn trên thị trường? Ông Bình cho biết hiện những việc đó chưa thể khẳng định vì cơ quan quản lý còn phải thực hiện đánh giá đúng quy trình quy phạm. Và quan trọng nhất, theo ông Bình, là những cổ đông lớn của các ngân hàng phải cảm thấy sự sáp nhập là cần thiết và tự nguyện.
“Nguyên tắc của tôi vẫn là đánh chuột nhưng không vỡ bình”, ông Bình nói.
Trước đây vài ngày, trao đổi với PV qua điện thoại, Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Hữu Nghĩa nói chương trình tái cơ cấu ngân hàng 2014 sẽ đặt trọng tâm vào sự ổn định và cải thiện sự an toàn của các tổ chức tín dụng.
Ông Nghĩa cho biết sáp nhập và hợp nhất vẫn là xu hướng tiếp tục của chương trình tái cơ cấu ngân hàng trong năm 2014. Nhưng điều đáng lưu ý là hoạt động tái cơ cấu không chỉ được thực hiện ở những ngân hàng yếu kém mà cả với các ngân hàng trên mức yếu kém. "Các ngân hàng cần tăng cường năng lực bằng sự sáp nhập tự nguyện để có thể tăng khả năng cạnh tranh,” ông Nghĩa nói.
“Tôi chưa nhận được đề nghị cụ thể nào của các ngân hàng về việc sáp nhập nhưng tôi biết một số ngân hàng cũng đang tích cực. Trong việc này, tư duy tự nguyện của các ông chủ là quan trọng nhất. Còn việc số ngân hàng giảm sẽ là xu hướng chung”, ông Nghĩa chia sẻ.
Thông tư 02 sửa đổi sẽ ban hành trong vài ngày tới
Thông tư 02 (quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng) sửa đổi sẽ được ban hành trong vài ngày tới và có hiệu lực từ 1/6/2014. Ngoài hai điểm quan trọng nhất được sửa đổi, các chỉnh sửa khác trong thông tư mới này không đáng kể và chỉ mang yếu tố kỹ thuật, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho hay.
Giải thích về lý do chỉnh sửa thông tư này, ông Bình nói: “Thực ra, đó (Thông tư 02 ban đầu-pv) là biện pháp quyết liệt chúng tôi muốn làm. Thuốc tốt thì mới trị khỏi bệnh, dù vậy vẫn còn phụ thuộc vào sức khỏe của bệnh nhân. Nếu uống 5 viên/ngày, bệnh chuyển nhanh nhưng uống quá liều 10 viên/ngày thì lại hỏng. Kết quả có tốt hay không phụ thuộc vào thể trạng người mình điều trị. Sức khỏe hệ thống ngân hàng đã tốt hơn nhiều so với trước đây nhưng chưa khỏe hẳn. Và những sửa đổi này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế”.
Trả lời câu hỏi có phải đây là một bước lùi của chính sách và cũng kéo theo bước lùi của tiến trình tái cơ cấu ngân hàng, Thống đốc Bình nói: “Về lâu dài, định hướng nghiêm khắc với các tổ chức tín dụng là con đường sẽ phải đi và sẽ phải làm đến đích đó. Còn về tái cơ cấu ngân hàng, chúng tôi sẽ làm tích cực và quyết liệt”.
Theo TBKTSG
100 cảnh sát đột kích hai điểm ăn chơi ở Sài Gòn
Thứ năm, 20/02/2014, 07:53
Bar New Sài Gòn và bar Kumho được biết đến là điểm ăn chơi rạng sáng ở trung tâm TP.HCM, vừa bị gần 100 cảnh sát đột kích kiểm tra vào rạng sáng 19/2.
Theo đó 1h sáng 19/2, gần 100 chiến sĩ thuộc phòng cảnh sát hình sự, công an TP.HCM và công an Q.1 bất ngờ ập vào kiểm tra quán bar Kumho (tầng hầm toà nhà Kumho, số 39 đường Lê Duẩn, P.Bến Nghé, Q.1). Dù là rạng sáng nhưng khách đến quán bar này vẫn rất đông; dân chơi nhảy nhót trong tiếng nhạc ầm ĩ và men rượu.
Qua kiểm tra hành chính, công an phát hiện trong người Trần Hoàng N (SN 1986, ngụ Q.Gò Vấp) có một con dao dạng lưỡi lê và một viên ma tuý tổng hợp.
New Sài Gòn - tụ điểm ăn chơi biến tướng được cho là lớn nhất Sài Gòn hiện nay.
Cơ quan công an đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với bar Kumho gồm các lỗi: Hoạt động quá giờ quy định, kinh doanh rượu không có giấy phép của cơ quan chức năng, không có bảng hiệu quảng cáo bằng tiếng Việt, sử dụng đĩa nhạc không có tác quyền, không khai báo sử dụng lao động...
Cùng thời điểm, một tổ công tác khác ập vào kiểm tra hành chính đối với quán bar New Sài Gòn (số 11, đường Công Trường Mê Linh, P.Bến Nghé, Q.1).
Dù đã rạng sáng nhưng New Sài Gòn vẫn rất đông dân chơi. Công an kiểm tra bên trong quán bar, thu giữ một gói ma tuý không chủ và "test" nhanh một trường hợp khách nữ dương tính với ma tuý.
Công an đã lập biên bản một số vi phạm hành chính đối với New Sài Gòn như: Hoạt động quá giờ quy định, kinh doanh rượu không giấy phép, thiếu trách nhiệm quản lý để khách sử dụng ma tuý..
Công an kiểm tra ngóc ngách phát hiện ma tuý ở các quán bar .
Như chúng tôi đã thông tin, các cơ quan chức năng TP.HCM đã từng nhiều lần kiểm tra hành chính các tụ điểm ăn chơi nữa đêm về sáng, trong đó có bar Kumho và New Sài Gòn. Nhiều vi phạm hành chính lặp đi, lặp lại và có vi phạm khá nghiêm trọng, tuy nhiên việc xử lý dứt điểm các tụ điểm ăn chơi này vẫn chưa thực sự mạnh tay?
Điển hình là bar New Sài Gòn (chủ trước lấy tên là bar 1102) được cấp phép từ giữa tháng 6/2013, hoạt động kinh doanh là nhà hàng, ăn uống, tổ chức sự kiện, quảng cáo... Tuy nhiên nơi này "biến tướng" hoạt động như một quán bar và dân chơi biết đến là điểm ăn chơi lớn nhất Sài Gòn hiện nay.
Những cuộc kiểm tra hành chính của công an nhắm vào New Sài Gòn mới đây đều phát hiện ma tuý và những khách nghi vấn hình sự. Tuy nhiên cứ đêm về sáng, New Sài Gòn vẫn hoạt động công khai mà không hề hấn gì?
Theo VNN
Tướng Ngọ qua đời, "ông anh" công an khác bị điều tra?
Thứ năm, 20/02/2014, 08:23
"Chỉ đình chỉ điều tra đối với ông Ngọ. Dương Chí Dũng còn khai hối lộ 20.000 USD cho một quan chức ngành công an, nên cơ quan điều tra phải tiếp tục", luật sư Thạch nói.
Thượng tướng Phạm Quý Ngọ, Ủy viên TƯ Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã từ trần hồi 16h ngày 18/2 tại Bệnh viện Quân đội 108 vì bệnh ung thư gan.
Tướng Ngọ được nhiều người biết đến khi xử lý biến động ở Thái Bình năm 1997, giám sát vụ Tiên Lãng, Hải Phòng. Và gần đây nhất, ông Ngọ đóng vai trò là Trưởng ban chuyên án điều tra các sai phạm tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam - Vinalines.
Việc tướng Ngọ qua đời đã khiến nhiều người không khỏi sốc, bởi nhiều lý do, trong đó có vụ đại án tham nhũng tại Vinalines vẫn chưa khép lại, lời khai của Dương Chí Dũng liên quan đến ông Ngọ vẫn chưa được điều tra làm rõ và đưa ra kết luận cuối cùng.
Nhiều người băn khoăn, liệu ông Ngọ qua đời thì vụ án này sẽ được giải quyết như thế nào? Việc điều tra những nội dung liên quan đến lời khai của Dương Chí Dũng sẽ tiếp tục ra sao?
Ông Phạm Quý Ngọ.
|
Theo Luật sư Hoàng Văn Thạch, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, Văn phòng Luật sư Trí Minh, ngay khi ông Ngọ qua đời, tất cả những gì liên quan đến tố tụng, đến thân phận pháp lý của ông này xem như chấm dứt.
"Trong vụ án này, ông Dương Chí Dũng đã tố giác hành vi của ông Phạm Quý Ngọ. Đây là căn cứ để khởi tố vụ án "Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước". Đến nay, cơ quan điều tra mới chỉ khởi tố vụ án, chưa khởi tố bị can.
Tuy nhiên, nghi phạm chính trong vụ án - cũng là người bị tố giác là ông Phạm Quý Ngọ đã qua đời. Do vậy, nếu đã có quyết định khởi tố vụ án nhưng chưa tiến hành hoạt động điều tra thì căn cứ theo quy định tại khoản 7 điều 107 và khoản 1 điều 108 Bộ luật tố tụng hình sự, người đã ra quyết định khởi tố vụ án, phải ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố; đồng thời, thông báo cho người đã tố giác (tức ông Dương Chí Dũng) biết và gửi quyết định này cùng toàn bộ hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát trong vòng 24 giờ.
Trường hợp đã tiến hành hoạt động điều tra thì căn cứ theo Điều 164 Bộ luật tố tụng hình sự, cơ quan điều tra ra bản kết luận điều tra và quyết định đình chỉ điều tra.
Trường hợp mà ngoài ông Ngọ ra còn có nghi phạm khác liên quan tới lời khai của Dương Chí Dũng và tới vụ án thì chỉ đình chỉ điều tra đối với mình ông Ngọ. Còn vụ án và nghi phạm khác thì vẫn điều tra.
Khi nghe lời khai của bị cáo Dương Chí Dũng, TAND TP Hà Nội chỉ khởi tố vụ án làm lộ bí mật nhà nước. Nhưng, trong lời khai của Dương Chí Dũng còn có vụ án hối lộ 20.000 USD liên quan đến một quan chức khác của ngành công an, nên cơ quan điều tra phải tiếp tục công việc của mình", luật sư Thạch nói.
Trong khi đó, trao đổi với báo chí, Luật sư Trần Đình Triển cho rằng, ông Ngọ qua đời, cơ quan điều tra sẽ phải làm rõ trách nhiệm dân sự, những vấn đề mà ông Ngọ có liên quan để những người hưởng thừa kế của ông Ngọ phải có trách nhiệm trước Nhà nước và trước những người khác.
Trước đó, trong vụ án xét xử nguyên Đại tá công an Dương Tự Trọng về tội tổ chức cho anh trai mình trốn ra nước ngoài, Dương Chí Dũng đã khai tại tòa rằng ông Ngọ chính là người mật báo cho mình trước khi có quyết định khởi tố vì những sai phạm trong vụ án tại Vinalines. Ông Dũng còn tố cáo ông Ngọ đã nhận của mình tổng cộng 510.000 USD để giúp "chạy án". Từ những lời khai trên, ngày 8/1/2014, TAND TP Hà Nội đã khởi tố vụ án cố ý làm lộ bí mật nhà nước. Trả lời báo chí ngày sau đó, ông Phạm Quý Ngọ phủ nhận lời khai này.
Theo Kiến thức
"Bắc Kinh đòi 90% Biển Đông, Mông Cổ có thể đòi cả Trung Quốc"
Thậm chí người Mông Cổ có thể đòi hỏi chủ quyền với toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc hiện nay bởi cha ông họ đã từng làm chủ Hoa lục thời kỳ nhà Nguyên, thế kỷ 13.
Zachary Keck
Zachary Keck, biên tập viên tạp chí The Diplomat ngày 19/2 nhận xét, cái gọi là nguyên tắc của đường 9 đoạn (đường lưỡi bò, đường chữ U) mà Trung Quốc đưa ra ở Biển Đông (trên quan điểm chủ quyền lịch sử) đe dọa sự ổn định không chỉ ở Biển Đông hay châu Á mà đe dọa trật tự toàn cầu khiến Mỹ đã phải công khai phản đối đường 9 đoạn.
Trái ngược với những gì Trung Quốc tuyên bố, Mỹ thể hiện rõ quan điểm của mình sẽ làm giảm nguy cơ xảy ra đối đầu, chiến tranh giữa Washington và Bắc Kinh trên Biển Đông.
Từ địa vị vững chắc của Mỹ tại Thái Bình Dương hiện nay, có vẻ Washington rõ ràng sẽ không chấp nhận yêu sách của Bắc Kinh đòi "chủ quyền" gần như toàn bộ Biển Đông, ít nhất là trong bối cảnh hiện tại.
Tuy nhiên, một số người theo đuổi tham vọng thực thi tuyên bố chủ quyền với Biển Đông ở Bắc Kinh có thể có những nhận định khác nhau về vấn đề này.
Trường hợp Washington đã khoanh tay đứng nhìn quân đội Trung Quốc đẩy Philippines ra khỏi bãi cạn Scarborough năm 2012 và tiếp tục nhăm nhe tìm cách đánh bật Manila ra khỏi bãi Cỏ Mây (nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, đối tượng Trung Quốc, Đài Loan và Philippines cũng nhảy vào tranh chấp - PV) khiến những người này tin rằng Hoa Kỳ sẽ không dám "mạo hiểm đương đầu" với Trung Quốc ở Biển Đông.
Daniel Russel, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách vấn đề Đông Á - Thái Bình Dương hôm 5/2 công khai phản đối đường lưỡi bò Trung Quốc ở Biển Đông. Quan điểm này được liên tục lặp lại bởi các quan chức cấp cao Mỹ như Ngoại trưởng John Kerry, Tư lệnh Không quân Bộ tư lệnh Thái Bình Dương hay Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ.
|
Nếu Trung Quốc phớt lờ các cảnh báo của Mỹ, điều này có khả năng tạo cho Bắc Kinh một khoảng tạm dừng lớn hơn để thúc đẩy tuyên bố của họ ở Biển Đông, và nó cũng sẽ đặt Mỹ vào tình thế khó khăn hơn.
Vì vậy chính quyền Obama đã đưa các biện pháp thích hợp giảm thiểu nguy cơ này bằng cách tuyên bố tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ ở châu Á.
Khi Mỹ thể hiện quan điểm cứng rắn của mình, Washington sẽ tránh bị rơi vào khả năng va chạm với Trung Quốc.
Quan trọng hơn, việc Mỹ thách thức yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông bởi vì nó gây bất ổn không chỉ cho khu vực châu Á. Tuyên bố của Trung Quốc đòi "chủ quyền" với 90% diện tích Biển Đông bắt nguồn từ quan điểm của nhà cầm quyền Trung Quốc về "chủ quyền lịch sử".
Năm 2008, một nhà ngoại giao Trung Quốc nói với các quan chức Mỹ rằng đường 9 đoạn Trung Quốc (tự vẽ ra) ở Biển Đông "cho thấy chủ quyền của Trung Quốc với các đảo trong Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) có từ thời cổ đại"?!
Nếu cứ để Trung Quốc tự thiết lập "nguyên tắc" một mình một kiểu như vậy sẽ là một thảm họa với vô số xung đột chủ quyền bởi sự dịch chuyển biên giới giữa các quốc gia trong lịch sử.
Đường lưỡi bò phi pháp Trung Quốc yêu sách "chủ quyền" gần như toàn bộ Biển Đông, cứ lý luận theo kiểu Bắc Kinh thì người Mông Cổ có quyền đòi chủ quyền với toàn bộ lãnh thổ Hoa lục.
|
Lý luận theo kiểu Trung Quốc, đế chế Ottoman đã kiểm soát phần lớn châu Âu ở những thời điểm khác nhau thì Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay có quyền đòi "chủ quyền" với toàn bộ châu lục này.
Tương tự, Pháp và Đức từng có tuyên bố chủ quyền hầu hết Tây Âu và Đông Âu thời kỳ Napoleon và Đức quốc xã, Nga có quyền yêu cầu "chủ quyền" ở các nước Đông Âu do biên giới Liên Xô để lại....
Trớ trêu hơn nữa, một số quốc gia có thể áp dụng "nguyên tắc đường 9 đoạn" mà Trung Quốc đang bám lấy để yêu sách chủ quyền với chính một bộ phận hay toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc.
Nhiều vùng lãnh thổ của Trung Quốc từng là thuộc địa của Đức, Pháp và Anh thời thế kỷ 19, 20 thì họ cũng có thể yêu sách "chủ quyền" với những vùng đất này như những gì Trung Quốc đã làm ở Biển Đông.
Chính phủ ông Shinzo Abe có thể yêu sách chủ quyền với một vùng lãnh thổ rộng lớn của Trung Quốc vì Hoàng gia Nhật đã từng kiểm soát chúng một thời.
Thậm chí người Mông Cổ có thể đòi hỏi chủ quyền với toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc hiện nay bởi cha ông họ đã từng làm chủ Hoa lục thời kỳ nhà Nguyên, thế kỷ 13.
Tất cả điều này nói lên rằng nguyên tắc đằng sau cái gọi là đường 9 đoạn của Trung Quốc ở Biển Đông gây nguy hiểm cho hòa bình và ổn định trật tự toàn cầu. Cứ theo cái cách Bắc Kinh giải thích thì ngay cả Mỹ, Trung Quốc và các nước khác trên thế giới sẽ trở nên hỗn loạn.
Theo GDVN
Cháy giữa 2 tòa nhà, hàng trăm người tháo chạy
Hàng trăm nhân viên đang làm việc hốt hoảng tháo chạy xuống đường khi ngọn lửa phát ra từ khe hở giữa 2 tòa nhà trên đường Cống Quỳnh (quận 1, TP. HCM).
Vụ hỏa hoạn xảy ra lúc 10h30 ngày 20/2 tại khoảng trống nhỏ giữa 2 tòa nhà 244 và 244A trên đường Cống Quỳnh, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP.HCM.
Vụ cháy làm nhân viên trong tòa nhà 244 và 244A hoảng loạn tháo chạy.
|
Thông tin ban đầu cho biết, thời điểm trên, hàng trăm nhân viên trong các tòa nhà 244, 244A và 246 đang làm việc thì thấy khói đen nghi ngút tràn vào các tầng lầu. Hoảng loạn, các nhân viên ôm tư trang cá nhân tháo chạy xuống đường.
Nhiều phút sau, mọi người vẫn thấy khói bốc lên mù mịt nhưng không biết cháy từ đâu. Lực lượng PCCC quận 1 điều động 5 xe chữa cháy cùng hàng chục chiến sĩ đến hiện trường. Sau khoảng 10 phút, đám cháy được phát hiện và dập tắt.
Vị trí xảy ra hỏa hoạn được xác định ở khe hở giữa 2 tòa nhà 244 và 244A. Khu vực này nằm ở tầng 3 và 4, chứa nhiều rác thải sinh hoạt như giấy vụn, túi nylon do một số người ném ra. Có thể một nhân viên nào dó hút thuốc và vứt tàn xuống khe hở này gây nên vụ cháy.
Lực lượng chức năng đang điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc.
Theo TTVN
Không có hộ khẩu Hà Nội, học sinh bị đình chỉ học
09:41 | 20/02/2014
Nguồn Zing News
(PetroTimes) - Bị nhà trường đình chỉ học vì không có hộ khẩu Hà Nội, Đỗ Hồng Sơn đã viết tâm thư gửi Chủ tịch nước mong được giúp đỡ.
Cộng đồng đang xôn xao bức tâm thư của nam sinh tên Đỗ Hồng Sơn, lớp 11A5 trường Trung học phổ thông (THPT) Trần Hưng Đạo (Hà Nội) gửi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
Nội dung bức thư trình bày lại sự việc em bị nhà trường đình chỉ học vì gia đình chưa có hộ khẩu ở Hà Nội.
Trong thư Sơn viết: “Bố mẹ cháu là dân ngụ cư sinh sống ở Hà Nội, bố cháu làm nghề vá xe ô tô, mẹ cháu phụ giúp bố cháu cùng làm. Gia đình cháu rất nghèo, bố cháu dựng một cái lán bằng tôn với diện tích 12m2 trên đường Lê Văn Lương kéo dài vừa làm chỗ vá xe ô tô vừa làm chỗ ở của gia đình cháu gồm bố mẹ và hai anh em cháu”.
Bức thư của học sinh Đỗ Hồng Sơn gửi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
Trong thư, Sơn cho biết đã học cấp 2 tại trường Trung học cơ sở Nguyễn Trãi, đến lớp 10 thì đăng ký thi vào trường THPT Trần Hưng Đạo, Thanh Xuân, Hà Nội và đậu với số điểm 50 điểm (điểm tuyển đầu vào của nhà trường là 45 điểm). Tuy nhiên, Sơn đã bị nhà trường đình chỉ học 2 lần vì lý do gia đình không có hộ khẩu tại Hà Nội. Hiện, Sơn đã nghỉ học gần 2 tháng nay.
Sơn tâm sự: “Đến nay, nhà trường đã đình chỉ không cho cháu học vì gia đình cháu chưa chuyển khẩu xong. Mẹ cháu suốt ngày khóc lóc, còn bố cháu bỏ cả công việc để đi chuyển khẩu cho cháu, nhưng vẫn chưa xong. Hiện nay cháu đã nghỉ học gần 2 tháng rồi. Cô hiệu trưởng nói nếu nhà cháu không chuyển được hộ khẩu cho cháu thì nhà trường sẽ không cho cháu đi học, cháu phải chuyển ra học ở trường dân lập”.
Chính vì lý do đó trên, Sơn đã viết thư gửi Chủ tịch nước nhằm giúp đỡ. Mong muốn của Sơn rất đơn giản: "Cháu chỉ mong muốn được đi học, nhưng bố mẹ cháu bảo nếu phải chuyển ra trường dân lập thì cháu phải nghỉ học vì gia đình cháu không có tiền đóng học cho cháu. Cháu viết thư này cho Bác mong Bác nói với cô hiệu trưởng cho cháu tiếp tục được đi học. Cháu chỉ mong muốn như vậy thôi”.
Anh Đỗ Văn Tuyên hi vọng con mình có thể sớm đi học lại.
Trả lời báo chí, anh Đỗ Văn Tuyên (bố Sơn) cho biết, khi làm hồ sơ đăng ký dự thi, Sơn không hề hay biết về quy định phải có hộ khẩu mới được dự thi. Đến khi nhập học, nhà trường mới cho biết.
Gia đình bác Tuyên đã có đăng ký tạm trú, nhưng vẫn không được chấp nhận. Hiện tại, gia đình đang cố gắng để lo hộ khẩu, nhưng quá nhiều thủ tục rườm rà nên chưa giải quyết được. Chính vì vậy, ngày 13/1/2014, Sơn chính thức bị đình chỉ học.
Anh cho biết: “Đây là quyết định tuyển sinh của Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội, nhà trường cũng chỉ làm theo quy định. Quan điểm của chúng tôi là vẫn muốn con được đi học trường THPT Trần Hưng Đạo bởi cháu quen với môi trường, bạn bè ở đó rồi. Nếu chuyển sang trường dân lập, chi phí học tập của cháu sẽ rất cao, trong khi đó thu nhập của gia đình khoảng 4-5 triệu/ tháng”.
Ngôi nhà của Sơn chỉ rộng 12m2 với 4 người sinh sống.
Hai vợ chồng anh Tuyên là người Hải Phòng lên Hà Nội làm ăn được hơn 3 năm nay. Hiện vợ chồng anh mở cửa hàng bơm vá, bán phụ tùng xe ô tô dành dụm nuôi 2 con ăn học (Sơn học cấp 3, con gái nhỏ học tiểu học). Không có nhà cố định, 4 người sống trong căn nhà nhỏ mượn của người thân trên đường Lê Văn Lương kéo dài..
Trò chuyện với chúng tôi, chị Trịnh Thị Hà Hải (mẹ Sơn) chia sẻ: “Từ ngày buộc thôi học, cháu có biểu hiện buồn, chán nản, ít giao tiếp với mọi người. Chúng tôi cũng động viên cháu cố gắng tự học, ôn bài tại nhà”.
Liên hệ với bà Phạm Thị Tâm (Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo, Hà Nội về trường hợp của em Sơn, bà Tâm cho biết, nhà trường đã giải quyết theo đúng luật tuyển sinh của Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội tức là ngân sách thành phố chỉ cấp cho những học sinh có hộ khẩu Hà Nội.
Bà Tâm cho hay: “Gia đình đã cam kết 3 lần với nhà trường sẽ hoàn thành hộ khẩu cho em. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa có, mặc dù nhà trường nhắc nhở thường xuyên và gia hạn cho gia đình”.
Khánh An
Lót giầy thơm Trung Quốc gây thối chân.
Được quảng cáo là "hút mùi, tạo hương thơm” lót giày quế được nhiều đấng mày râu ưa chuộng. Nhưng một vài trường hợp đã “lãnh đủ” vì loại lót giày này.
Lót giày xịn bán...rong
Trên khắp các con phố của Hà Nội, nhất là những con phố lớn, nhiều hàng quán, dễ dàng bắt gặp những người đánh giày kiêm bán các loại phụ kiện cho giày: Lót giày, xi đánh giày,... hoặc những người bán hàng rong đều có mặt hàng này. Với giá từ 15.000-50.000 đồng là người tiêu dùng có trong tay đôi lót giày hương quế khử mùi, hút ẩm.
Theo một người bán hàng rong trên phố Hoàng Quốc Việt, loại lót giày giá bình dân, từ 15.000- 30.000/ đôi bán rất “chạy”, mỗi ngày người bán hàng này có thể bán khoảng 50 đôi lót giày giá rẻ “Loại lót giày hương quế giá 40.000-50.000 tôi chỉ nhập khoảng chục đôi để bày cho “sang”, chứ loại này bán rất chậm. Thu nhập chủ yếu là từ loại lót giá rẻ”.
Theo quan sát của phóng viên, những loại lót giày hương quế này dù là giá rẻ hay giá “đại gia” thì đều là hàng Trung Quốc nhập lậu, không có phụ đề tiếng Việt, chi chít toàn chữ Trung Quốc. “Chân tôi thường có mùi khó chịu khi phải đi giày thường xuyên. Mùa đông còn đỡ, mùa hè chỉ cần đi 1-2 tiếng là chân đã “bốc mùi” rồi. Mà quy định của cơ quan là mùa hè cũng như mùa đông đều phải đi giày. Thấy loại lót giày này có mùi quế, người bán bảo có thể hút mùi, giá lại tương đối rẻ nên mua vài đôi về dùng.”, anh Thanh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết.
Cẩn thận hỏng chân
Chưa biết loại lót giày hương quế giá rẻ kia có thực sự bền, hút mùi được như lời quảng cáo của người bán hay không, nhưng có nhiều khách hàng đã phải lắc đầu sau khoảng một vài tuần sử dụng sản phẩm này.
Anh Tình (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Sau 1 tháng sử dụng miếng lót giày hương quế mua của 1 người bán hàng rong với giá 50.000 đồng/đôi, chân tôi bỗng dưng đau nhức rồi nổi mụn. Sau 1-2 ngày, số mụn ngày càng nhiều khiến tôi không thể di chuyển được. Đi khám bác sĩ mới biết mình bị mọc mắt cá do chân bị bí và sử dụng lót giày không đảm bảo chất lượng. Lúc mua không để ý, khi về kiểm tra mới biết đây là hàng Trung Quốc. Mua loại “xịn” mà còn thế,, dùng hàng 15.000-20.000 thì không biết hậu quả còn như thế nào....”. Những nốt mắt cá ở chân anh Tình theo bác sĩ phải đi đốt thì mới khỏi.
"Từ giờ cạch đến già loại hàng trôi nổi này. Thà mua 1 đôi lót giày hàng đảm bảo mà giá thành cao một chút nhưng chất lượng tốt, còn hơn mua cả chục đôi lót giày rẻ về sử dụng, rồi mang bệnh vào người, vừa tổn hại sức khỏe vừa tổn hại về vật chất”, anh Tình nói thêm.
Theo Chất lượng Việt Nam
Sau Tết, ngân hàng run rẩy nhìn đống tiền thừa!
Những ngày sau Tết Nguyên đán, lượng tiền gửi vào ngân hàng tăng mạnh trong khi nhu cầu vay vốn giảm, khiến nhiều ngân hàng “run rẩy” với lượng tiền thừa.
Trong khi đó, dư nợ tín dụng tăng trưởng âm 0,5% trong tháng 1/2014 và dự báo cũng tăng yếu trong tháng 2 càng khiến số tiền mặt của các ngân hàng thêm ế ẩm. Chính vì thế, không ít ngân hàng đang đau đầu với tiền dư thừa.
Thừa tiền, ngân hàng đã phải mua trái phiếu Chính phủ, dù cho lãi suất thấp. Ngày13/2 vừa qua, Bộ Tài chính đã chào thầu 10.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ với lãi suất giảm còn 6,58-7,95%/năm tùy thời hạn, và đã huy động thành công hơn 9.000 tỷ đồng. Giám đốc một ngân hàng cổ phần cho biết, nếu tính lãi suất ngân hàng đang huy động trên thị trường là 7%/năm, cộng với dự trữ bắt buộc, thì mua trái phiếu như vậy là không có lãi. Nhưng họ vẫn phải đầu tư, còn hơn để tiền nằm chết một chỗ.
Đầu năm, lượng tiền mặt gửi vào các ngân hàng tăng mạnh.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đang hút mạnh tiền về qua nghiệp vụ thị trường mở (OMO). Ngày 12/2 hút ròng 9.715 tỷ đồng, trước đó, ngày 11/2 cũng đã hút ròng 4.899 tỷ đồng. Như vậy, chỉ trong 2 ngày, cơ quan này đã hút ròng qua OMO gần 15.000 tỷ đồng.
Thừa tiền, trong khi nhiều ngân hàng đang thua lỗ lại càng tạo sức ép trên thị trường tiền tệ những ngày đầu năm.
Lãi suất có giảm?
Thông điệp từ chính sách tín dụng của Ngân hàng Nhà nước năm 2014 là đẩy mạnh vốn vào 5 lĩnh vực ưu tiên, gồm tam nông, doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp hỗ trợ, xuất khẩu, công nghiệp chế biến. Để làm được điều này, Ngân hàng Nhà nước xác định chủ trương đẩy mạnh tín dụng ở các địa phương ngay từ đầu năm.
Theo TS. Trần Du Lịch, để làm được như kế hoạch đề ra, trước mắt phải giảm bớt được lãi suất cho vay trung, dài hạn, để DN có vốn tái đầu tư, tái sản xuất.
Nhưng theo các ngân hàng, lãi suất nói chung khó có thể giảm thêm. Để đảm bảo an toàn hệ thống và tính thanh khoản của các ngân hàng, nhiều ý kiến cho rằng, muốn giảm lãi suất cho vay thì cần phải giảm lãi suất huy động xuống dưới mức 7%. Tuy nhiên các phân tích cho thấy, nếu căn cứ vào diễn biến và kỳ vọng của lạm phát, chỉ tăng khoảng 5,5-6% trong năm 2014, kết hợp với dự báo tỷ giá có thể sẽ được điều chỉnh tăng khoảng 2%, để duy trì lãi suất thực dương cũng như sức hấp dẫn tương đối của đồng VND so với USD, thì khả năng tiếp tục giảm lãi suất huy động trong năm 2014 là rất ít.
Việc hóa giải mâu thuẫn ngân hàng thừa tiền trong khi DN vẫn khát vốn đang là bài toán khó với cơ quan quản lý .
Nếu lãi suất huy động không giảm hoặc giảm ít thì khó hy vọng lãi suất cho vay giảm mạnh. Trên thực tế hiện nay, các ngân hàng đều sẵn sàng cho khách hàng vay với lãi suất rất thấp. Thống kê của Ngân hàng Nhà nước từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán cho thấy, lãi suất cho vay bằng VND đối với những DN tốt chỉ còn 6,5-7%/năm, còn các DN khác ở mức 9-11,5%/năm đối với cho vay ngắn hạn và 11,5-13%/năm đối với cho vay trung và dài hạn.
Theo các ngân hàng, sức mua của nền kinh tế quá trầm lắng đang cản trở DN trong việc mở rộng các hoạt động sản xuất kinh doanh. Như vậy, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn là yếu tố quyết định hàng đầu, sau đó mới đến lãi suất và những vấn đề khác.
DN vẫn khát vốn
Ông Bùi Ngọc Huyên, Giám đốc công ty cổ phần Ô tô Xuân Kiên cho biết, DN của ông rất cần vốn để đầu tư, nhưng đến nay các ngân hàng không cho vay, với lý do sản xuất ôtô trong bối cảnh sắp mở cửa thị trường, xe ngoại tràn vào sẽ không có hiệu quả. Vì lý do này mà mấy năm nay dù có dự án, nhưng cũng không thể nào tìm ra vốn. Nhiều DN vẫn than phiền vay vốn không hề dễ dàng, dù lãi suất có giảm và ngân hàng thừa tiền.
Ông Hoàng Trọng Năm, Giám đốc công ty cổ phần Đại Dương, chuyên sản xuất kinh doanh nước giải khát tại Thanh Xuân, Hà Nội, than phiền, tuy lãi suất có giảm nhưng chỉ ở kỳ ngắn hạn. Ngân hàng chỉ cho vay trong vòng 1 năm và 3 tháng đầu lãi suất thấp còn lại các tháng sau thả nổi, tính chung thì không hề thấp, ngoài ra là vẫn phải có tài sản thế chấp. Do đó, nhiều DN đã không tiếp cận được vốn.
Theo Hiệp hội các DN nhỏ và vừa Việt Nam, hơn 90% số DN tại Việt Nam hiện nay là DN vừa và nhỏ, nhưng suốt thời gian và hiện tại họ vẫn chưa thể tiếp cận được vốn tín dụng. Tình hình chung thì lãi suất có giảm nhưng DN vẫn không thể vay được, vẫn đang phải chật vật xoay xở để tồn tại.
TS. Trần Du Lịch lo ngại, khi nhiều giải pháp đưa ra nhưng dòng tín dụng vẫn cứ bị nghẽn. Có vẻ như "tiếng chuông" đã được gióng lên từ lâu nhưng vẫn chưa tìm thấy sự ăn nhập cần thiết, và đó là một thách thức lớn của Ngân hàng Nhà nước trong năm nay.
Theo Vietnamnet
Xe giường nằm bốc cháy, 40 hành khách thoát nạn gang tấc.
Thứ Năm, 20/02/2014 08:34
(NLĐO)- Chiếc xe ô tô khách giường nằm trị giá 2,5 tỉ đồng đang lưu thông trên Quốc lộ 10, đoạn qua tỉnh Hải Dương, bỗng nhiên bốc cháy dữ dội lúc 2 giờ sáng. Trên xe có 40 hành khách đang chìm trong giấc ngủ song may mắn tất cả đều thoát nạn trong gang tấc.
Sự việc xảy ra vào khoảng 2 giờ sáng ngày 19-2, trên Quốc lộ 10 thuộc địa phận Phố Quý Cao, xã Nguyên Giáp (huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương), xe ô tô khách giường nằm (nhãn hiệu Huyndai) BKS 14B 004.28 của Công ty TNHH Đức Phúc (Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) chạy tuyến Hà Tĩnh ra Quảng Ninh, do lái xe Nguyễn Văn Sừ (SN 1962, trú tại Hồng Hải, TP Hạ Long, Quảng Ninh) điều khiển đột ngột bốc cháy.
xe khách bốc cháy trơ khung
Đang lái xe, nhìn qua kính chiếu hậu, phát hiện phía cuối xe có khói rồi ngọn lửa bốc cháy dữ dội, tài xế Sử vội vàng cho xe dừng lại và tri hô 40 hành khách đang nằm ngủ nhanh chóng bỏ chạy xuống xe.
Ngay sau đó, anh Sử đã sử dụng bình cứu hỏa để dập lửa nhưng gặp gió to, ngọn lửa lan quá nhanh nên đám cháy càng lúc càng lan rộng. Khoảng 15 phút sau thì toàn bộ chiếc xe bị ngọn lửa thiêu trơ khung. Ước tính thiệt hại khoảng 2,5 tỉ đồng.
Tuy vụ cháy không có thiệt hại về người nhưng toàn bộ tài sản của hành khách đều bị “bà hỏa” thiêu rụi, trong đó có hành khách bị thiệt hại hàng chục triệu đồng.
Chưa hết hoảng sợ, anh Trần Văn Hải (SN 1966, quê Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) cho biết, anh và 4 người khác cùng quê ra Quảng Ninh làm nghề khai đánh bắt hải sản. Toàn bộ tài sản mà anh cùng mọi người mang theo gồm: giấy tờ, máy móc, lương thực, quần áo...bị cháy hết, thiệt hại trên 25 triệu đồng.
Hiện vụ việc đang được Công an huyện Tứ Kỳ, Hải Dương điều tra, làm rõ.
Tin-ảnh: Trọng Đức
Thêm một người chết sau khi làm việc với công an!
TT- 20/02/2014 -Lại thêm một vụ người dân chết sau khi công an lấy lời khai ngày 13-2 (xã Đạo Nghĩa, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông).
Theo kết quả điều tra ban đầu của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Nông, khoảng 15g ngày 13-2, ông Huỳnh Tấn Du (35 tuổi, trú thôn Quảng Lộc, xã Đạo Nghĩa) phát hiện ông Huỳnh N. (39 tuổi, thôn Quảng An, xã Đạo Nghĩa) đang hái trộm tiêu trong rẫy của mình nên đã bắt trói ông N. và báo công an xã. Khoảng 17g30 cùng ngày, ông N. bị dẫn giải về trụ sở Công an xã Đạo Nghĩa để làm việc.
Ba công an xã gồm các ông Nguyễn Hữu Tuyến (27 tuổi), Lê Văn Tâm (46 tuổi) và Trần Văn Công (38 tuổi, trưởng Công an xã Đạo Nghĩa) đã thừa nhận với Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Nông rằng trong lúc lấy lời khai, vì cho rằng ông N. gian dối trong việc khai nhận hành vi trộm cắp nên họ đã dùng dùi cui, tay đánh ông N. nhiều lần.
Nạn nhân phải bò vào nhà
Chỉ có 1/3 công an xã là chính quy
Theo thiếu tướng Trần Kỳ Rơi, Công an tỉnh Đắk Lắk đã có kế hoạch bố trí 70 cán bộ công an chính quy về làm trưởng, phó công an xã tại 70 xã trọng điểm về an ninh, trật tự trên địa bàn toàn tỉnh. Tuy nhiên cho đến nay chỉ mới bố trí được tại 25 xã.
Còn theo đại tá Nguyễn Văn Hùng, toàn tỉnh Đắk Nông có gần 1.000 công an viên cấp xã. Đến nay tỉnh mới bố trí được 13 cán bộ công an chính quy về làm trưởng, phó công an trong số 43 xã trọng điểm về an ninh trật tự.
|
Đến khoảng 7g30 tối 13-2, ông N. được cho về nhà và hẹn sáng hôm sau (14-2) sẽ làm việc tiếp, tuy nhiên khoảng 9g sáng 14-2 thì ông N. tử vong tại nhà.
Đại tá Nguyễn Văn Hùng, phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông, cho biết thêm theo ghi nhận khám nghiệm tử thi ban đầu, nạn nhân N. có tổng cộng 33 vết thương, vết bầm tím trên cơ thể, trong đó có chín vết bầm tím trên đầu, mặt. Cơ quan công an đã lấy các mẫu vật nội tạng, não của nạn nhân để giám định xem có bị thương tổn hay không. “Ban đầu, ba công an xã đã thừa nhận có đánh ông N., tuy nhiên chưa thể xác định việc đánh đập này có phải là nguyên nhân chính khiến ông N. tử vong hay không. Sau khi có kết luận pháp y mới có căn cứ để xử lý hình sự ba công an xã này hay không” - đại tá Hùng nói.
Bà Phan Thị Tâm, vợ ông N., cho biết khoảng 8g tối 13-2, khi bà ra mở cửa thì thấy chồng mình không đi được mà phải bò đến kêu cửa (trước đó ông N. được một công an viên chở về bỏ trước cửa nhà). Đêm đó bà Tâm thấy ông N. liên tục nôn ói, kêu đau toàn thân. Sáng hôm sau ông N. chết, gia đình mới phát hiện nhiều vết bầm tím, vết thương hở đã khô máu trên người. Bà Tâm khẳng định trước khi bị đưa lên công an xã, chồng bà hoàn toàn khỏe mạnh, chưa hề có vết thương nào.
Ngày 18-2, đại tá Nguyễn Văn Hùng cho biết Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh đang chờ kết quả giám định pháp y để tiếp tục xử lý vụ việc.
Trước đó tại Đắk Lắk, ông Y Két Dhap đã chết sau khi bị triệu tập đến trụ sở Công an xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin. Sáng 27-11-2013, nhận được tin báo về việc ông Vũ Đức Hòa (thôn Hiệp Tân, xã Hòa Hiệp, Cư Kuin) mất một con bò, công an xã đã triệu tập ông Y Két và một người khác (trú cùng buôn với ông Y Két). Khoảng 14g cùng ngày, gia đình ông Y Két nhận được tin ông đang ở Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin trong tình trạng nguy kịch, khi đến nơi thì ông Y Két đã chết.
Ngày 9-12-2013, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với hai công an viên xã Ea Bhốk là Trương Trung Hiếu (26 tuổi) và Y Phiên Adrơng (27 tuổi) về hành vi giết người. Cơ quan cảnh sát điều tra cho biết ông Hiếu và ông Y Phiên đã thừa nhận có đánh đập ông Y Két. Ông Y Đhok Dhap, anh trai nạn nhân, cho biết trước khi bị triệu tập lên công an xã thì ông Y Két vẫn khỏe mạnh, không có bệnh tật hay chấn thương gì.
Cần chấn chỉnh lực lượng công an xã
Trước tình trạng một số công an viên cấp xã vượt quá quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, thiếu tướng Trần Kỳ Rơi, giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, nhìn nhận: không thể phủ nhận vai trò đảm bảo an ninh trật tự tại các địa phương, nhưng thời gian gần đây Công an tỉnh nhận được nhiều phản ảnh của người dân về tác phong, thái độ làm việc chưa tốt của công an xã. Một vài nơi có tình trạng công an xã khi triệu tập, bắt quả tang các nghi can, nghi phạm lên trụ sở công an xã thì việc đầu tiên là “đánh dằn mặt” để lấy lời khai.
Theo quy định, công an xã chỉ có quyền bắt người quả tang hoặc triệu tập đối tượng nghi vấn để lấy lời khai ban đầu. Nếu vụ việc có dấu hiệu hình sự thì chuyển công an cấp trên, vụ việc phải xử lý hành chính thì tham mưu chủ tịch UBND xã xử phạt. Công an xã tuyệt đối không được tạm giữ nghi can, nghi phạm; đặc biệt không được đánh đập, hỏi cung nghi can, nghi phạm nhưng trong thực tế nhiều công an xã không làm đúng quy định.
Thiếu tướng Trần Kỳ Rơi cho biết thêm hằng năm Công an tỉnh Đắk Lắk vẫn tổ chức các lớp tập huấn để phổ biến pháp luật, nghiệp vụ và chấn chỉnh tác phong, thái độ của các công an xã khi làm việc với người dân.
Theo đại tá Nguyễn Văn Hùng, hằng năm Công an tỉnh Đắk Nông tổ chức tập huấn phổ biến pháp luật, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho công an xã, mỗi đợt khoảng 200 công an viên. Ngoài ra, Công an tỉnh cũng đã mở một lớp đào tạo trung cấp cho trưởng công an xã về chuyên môn nghiệp vụ, pháp luật... Tuy nhiên trong thực tế vì nhận thức, hiểu biết pháp luật của công an xã chưa cao nên có xảy ra những sai phạm.
Cả hai ông Trần Kỳ Rơi và Nguyễn Văn Hùng đều cho rằng việc đánh đập nghi can, người vi phạm trong bất cứ tình huống nào của công an đều trái pháp luật và sai đến đâu sẽ xử lý nghiêm đến đó để làm gương. Về giải pháp để hạn chế và chấm dứt tình trạng công an xã đánh chết nghi can, người vi phạm khi làm việc, cả hai vị lãnh đạo công an tỉnh cho biết sẽ có văn bản gửi về tất cả công an cấp xã để chấn chỉnh, rút kinh nghiệm, xem đó là bài học đắt giá...
TRUNG TÂN
Công an xã không được hỏi cung
Theo pháp lệnh công an xã (do Chủ tịch nước ban hành ngày 2-12-2008), công an xã là lực lượng vũ trang bán chuyên trách, thuộc hệ thống tổ chức của công an nhân dân, làm nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã.
Công an xã có 14 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể, trong đó chủ yếu thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ an ninh, trật tự an toàn xã hội tại địa phương như:
* Quản lý cư trú, chứng minh nhân dân và các giấy tờ khác.
* Quản lý vật liệu nổ, vũ khí, công cụ hỗ trợ, bảo vệ môi trường, an ninh, trật tự đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện trên địa bàn xã.
* Tiếp nhận, phân loại theo thẩm quyền các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã.
* Tổ chức bắt người phạm tội quả tang, người có quyết định truy nã, truy tìm lẩn trốn trên địa bàn xã và dẫn giải lên công an cấp trên.
* Lấy lời khai ban đầu các vụ việc nhưng không được tạm giữ hình sự, hỏi cung các nghi can, nghi phạm. Nếu vụ việc có dấu hiệu tội phạm phải chuyển nghi can lên cơ quan công an cấp trên...
|
Hà Nội: Cầu Vĩnh Tuy nứt trụ nhưng “vẫn an toàn”!!!
Thứ Tư, 19/02/2014 22:02
Đoàn công tác gồm đại diện Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Hà Nội, Ban Quản lý dự án duy tu hạ tầng giao thông, Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông (Tedi), Ban Quản lý dự án hạ tầng tả ngạn (chủ đầu tư) và tổ chuyên gia hội đồng nghiệm thu nhà nước cầu Vĩnh Tuy ngày 19-2 đã tiến hành kiểm tra trực quan hiện trường vết nứt dọc tại trụ H22 công trình này.
Theo kết quả kiểm tra, vết nứt rộng khoảng 2,3-2,6 mm, chiều dài từ điểm tiếp giáp đất lên trụ cầu khoảng 10 m. Nguyên nhân vết nứt, theo đánh giá ban đầu, có thể do co ngót bê tông và cần phải theo dõi một thời gian. Đoàn kiểm tra cho biết hội đồng nghiệm thu nhà nước cầu Vĩnh Tuy đã nghiệm thu công trình để đưa vào sử dụng, vết nứt không ảnh hưởng đến khả năng chịu lực của trụ H22.
Vết nứt tại trụ H22 cầu Vĩnh Tuy Ảnh: Vũ Chiến
“Trụ H22 vẫn bảo đảm khả năng khai thác an toàn” - văn bản do ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hà Nội, gửi Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng - Bộ Xây dựng và chủ tịch UBND TP Hà Nội vào chiều cùng ngày khẳng định. Theo ông Tân, sau khi kiểm tra trụ H22, đoàn công tác đã họp bàn và đi tới thống nhất biện pháp xử lý vết nứt theo hướng bơm keo bảo vệ cốt thép, lớp trong và tiếp tục theo dõi.
Cầu Vĩnh Tuy có chiều dài tuyến chính gồm cầu vượt sông Hồng (nối liền 2 quận Hai Bà Trưng - Long Biên) và đường 2 đầu cầu khoảng 5,8 km (riêng cầu vượt sông Hồng dài 3,7 km), được hoàn thành vào tháng 9-2009. Đến năm 2010, công trình được bàn giao cho Sở GTVT TP Hà Nội quản lý.
T.Kha
Đại Vệ Chí Dị - Con hươu nước Vệ
Nước Vệ triều nhà Sản năm thứ 69.
Năm ấy ngân khố cạn kiệt. Nợ nước ngoài đến lúc phải trả. Tài nguyên đã bán hết còn đúng mỏ dầu ngoài khơi là còn khai thác được. Nhà Sản chưa bao giờ quốc khố nguy ngập đến thế.
Gần Tết Giáp Ngọ, các thương điếm vắng teo, khách ra vào thưa thớt. Năm ấy nhiều kẻ đi làm xa, không có tiền về quê ăn Tết, gạt nước mắt ở lại quê người. Nhiều kẻ quẫn quá nhảy xô ra đường cướp bóc trắng trợn. Rồi cảnh đòi nợ xô xát , cảnh trốn nợ chui lủi.
Nhà Sản tìm cách mượn vàng trong dân làm vốn qua cơn bĩ cực. Mặt khác đẩy mạnh khai thác dầu ngoài khơi. Tìm cách bán tống bán tháo doanh nghiệp triều đình đầu tư và bất động sản cho ngoại quốc.
Lúc ấy phủ Chúa họp, các quần thần đều lo lắng. Chúa cũng đứng ngồi không yên. Bên phủ Vương đám tay chân của Vệ Kính Vương là Trăm Xanh nhòm ngó gắt gao. Chốc lại đòi mang tay sai thân tín của phủ Chúa ra xử. Vừa mới tuyên án xử chém mấy quan coi tàu thuyền của phủ Chúa xong, Trăm Xanh tót cái sang Tề chầu, về đến nước lại đăng đằng sát khí đòi truy cứu nhiều quan lại phủ Chúa. Thương nhân Bạch Thủ Trì làm ngành tín dụng, vốn có quan hê mật thiết với nhiều quan ngân khố phủ Chúa đang trong vòng kiềm tỏa của đám Trăm Xanh, dự định tới đây cũng mang ra nghị tội.
Chúa một mặt lo đối phó đám ấy, một mặt lại lo kinh tài cho quốc khố. Cảnh gian nan như chiến trường tứ bề thọ địch. Dân tình lại oán thán khắp nơi vì giá cả tăng vọt, thất nghiệp, vỡ nợ, làm ăn sa sút. Phủ Chúa họp ba ngày ba đêm tìm cách tháo gỡ khó khăn, ngặt cái năm mới đến từng ngày. Lúc Tết nhất lại là lúc cần phải vượt qua nhất, bởi người Vệ làm cả năm để lo ba ngày Tết, giờ ngày Tết mà thiếu thốn thì càng lộ rõ cảnh kinh tế be bét. Đang lúc ấy, bống tín khẩn báo về phủ Chúa rằng.
- Thậm cấp, thậm cấp chí nguy. Quân bộ Hình đã được vương phủ cùng nghị hội duyệt mua tàu chiến, phi cơ nói rằng chống khủng bố. Kỳ thực có ý thăm dò tranh chấp nguồn khai thác khoáng sản dầu khí mà chúng ta nắm giữ bấy lâu.
Chúa nghe tin, bầm gan tím ruột. Bạnh quai hàm hét lớn.
- Hoang đường, cái gì còn có thể trì hoãn, việc nầy phải tỏ rõ thái độ ngay.
Nói xong liền cho người cầm lệnh phi ngày đêm xuống phía Nam, báo cho quân tâm phúc nơi ấy chuẩn bị nghênh chiến. Nhận được tin từ phủ Chúa, quân coi cảng biển phía Nam liền tổ chức tập trận phòng thủ. Kịch bản tập trận nói rõ bọn khủng bố bắt thủy thủ đòi tiền và cướp hàng trăm thùng dầu. Đó là lần đầu tiên phủ Chúa đưa ra thông điệp rõ ràng cho những ai lăm le định nắm nguồn dầu khí mà Chúa đang nắm quyền khai thác, cho nên mới đưa mấy trăm thùng dầu vào cho đối phương rõ chính kiến của mình.
Tập trận đã xong, Chúa vẫn chưa an lòng, bởi mối lo còn từ nhiều phía. Dân kêu đói tất nảy ý muốn sinh loạn, phủ Vương đòi tiền không thỏa mãn hẳn sẽ công kích ráo riết hơn. Cả hai con hổ đều đói khát từ hai phía nhăm nhe vào phủ Chúa. Bấy giờ dưới trướng Chúa nuôi một bọn dư luận viên đông lắm, do đám giáo sư phó tiến sĩ đeo lon tướng tá cai quản. Lúc mà các quan trong coi tài chính, khai khoáng, thu ngân...đều nhìn nhau lấm lét. Bỗng trong đám quan dư luận ấy có kẻ bước ra nói.
- Xưa kia con hươu nhà Tần xổng, khiến thiên hạ quên hết mọi thứ mà đuổi theo. Nay con hươu nhà Sản giao cho Chúa trông giữ, chi bằng mang hươu ra dọa thả. Vương Phủ sợ mất hươu, thần dân khấp khởi mong bắt được hươu. Một bên sợ, một bên hy vọng. Chả còn bụng dạ nào mà săm soi chúng ta.
Chúa nghe xong, nhẹ người sảng khoái, cười thỏa mãn. Khen cho đám ấy nuôi không tốn cơm áo, liền bảo soạn bản diễn văn đọc mừng năm mới. Diễn văn bóng gió nói đến thay đổi thế chế, quyền của người dân... lời diễn văn vừa được bố cáo. Thiên hạ ai nấy đều xôn xao , khấp khởi nghĩ rằng sắp có thay đổi lớn lao đến nay mai, lòng dân lâng lâng sướng vui hy vọng.
Bên phủ Vương cầm bài diễn văn , nhác qua biết ý Chúa có bụng muốn thả hươu. Vương cũng lấy làm chột dạ, mới gọi đám bầy tôi lại nói.
- Ném chuột gấp quá thì vỡ đồ, nay bức hắn quá, nếu liều hắn thả hươu ra lúc này. Có khi thiên hạ nổi can qua, lúc này lòng người chưa về một mối. Nếu loạn thì mồ mả tiên đế có khi chẳng còn, cái mũ trên đầu chúng ta cũng khó mà còn được. Truyền cho các quan nội chính, kinh tế, thanh tra hành động thư thả, đợi sang năm mới rồi tính tiếp.
Ghi chú - nhà Tần mất hươu theo sử Tề là như dưới đây (còn theo dân gian nước Vệ thì nói hươu có nghĩa là hươu vượn, ý chỉ là nói phét lác.)
Người Buôn Gió
http://nguoibuongio1972.blogspot.de/2014/01/ai-ve-chi-di-con-huou-nuoc-ve.html
[1] Nguyên văn là Trục lộc 逐鹿 : đuổi hươu : chỉ việc tranh giành thiên hạ, tranh đoạt ngôi vua. Theo Sử ký, Khoái Thông nói : « Tần chi cương tuyệt nhi duy thỉ, Sơn động đại nhiễu, dị tính tịnh khởi, anh tuấn ô tập, Tần thất kỳ lộc, thiên hạ cộng trục tri ư thị cao tài tật túc giả tiên đắc yên » (Kỷ cương nhà Tần bị đứt, miền Sơn đông nổi loạn, các miền khác đều nổi lên. Anh hùng tuấn kiệt tụ tập lại nhiều như quạ. Nhà Tần mất hươu, cả thiên hạ cùng đuổi bắt nó. Bấy giờ ai tài cao, chân nhanh thì bắt được trước), Trương Án thời Tam quốc chú giải : lấy con hươu để ví ngôi vua.